Ở đây, dù không gần gia đình, con cháu nhưng các cụ có chung một niềm vui, một sự an ủi, một niềm yêu thương.
Nhà dưỡng lão này đến nay đã trải qua 32 năm (thành lập vào năm 1992 và do Hội Chữ thập đỏ TP Rạch Giá quản lý), cưu mang nhiều phận đời lớn tuổi, kém may mắn, neo đơn ở địa phương được có chỗ nghỉ ngơi, ăn uống, sinh hoạt, sống vui sống khỏe đến cuối cuộc đời.
Những ngày đầu tháng 11-2024, trời bắt đầu chuyển mùa khi các cơn gió mỗi sớm cứ thổi khiến không khí ở vùng đất biển Kiên Giang trở nên khác lạ. Tuy trời không lạnh rét, nhưng các nhân viên ở nhà dưỡng lão phải cẩn thận từng chút một chăm sóc các cụ, để giữ sức khỏe cho các cụ những lúc trái gió trở trời.
Và trước những niềm ân cần ấy, dù không nhà cửa, không người thân bên cạnh, nhưng các cụ ở đây không cô đơn. Lúc nào họ cũng rộn ràng nói cười, sống vui.
Ông Lâm Văn Chín (70 tuổi, ở phường Vĩnh Thông, TP Rạch Giá) kể do gia đình khó khăn nên năm 2023 ông xin vào nhà dưỡng lão này sinh sống. Ở đây, ông Chín luôn cảm nhận được hương vị cuộc sống gia đình và ấm áp khi được chăm lo ăn uống đầy đủ. "Dù không sống bên cạnh con cháu, người thân, nhưng ở đây có nhiều bạn già bầu bạn lúc buồn thì tôi cũng cảm thấy ấm lòng, hạnh phúc, an ủi phần nào", ông Chín vui vẻ nói.
"Tôi cũng có đứa con trai. Tuy nhiên, con tôi bị tai nạn giao thông, chấn thương sọ não không còn lao động được. Kinh tế càng khó khăn, con dâu tôi gồng gánh lo cho ba đứa cháu nội đang tuổi ăn tuổi lớn. Xa gia đình sao không buồn được, nhưng tôi vô đây lâu lâu con cháu vào thăm, tôi cũng vui lắm" - ngồi kế ông Chín, bà Nguyễn Thị Mai (87 tuổi, ở thị trấn thứ 11, huyện An Minh) kể về cuộc đời của mình nhưng bà vẫn còn niềm an ủi khi được sống dưới mái nhà chung này.
"Tôi lớn tuổi rồi được mọi người giới thiệu vào đây sống. Ở đây sạch sẽ, có người dọn dẹp, mình không phải làm gì. Cuối đời được vậy tôi hạnh phúc lắm rồi, chớ ở bên ngoài một thân một mình không biết làm sao", bà Lương Thị Liễu (78 tuổi, phường Vĩnh Thanh Vân) chia sẻ.
Cô chú mỗi người có hoàn cảnh riêng nhưng được mình hỏi thăm, chăm chút qua từng miếng ăn, giấc ngủ, hoặc thậm chí một lời hỏi thăm như con cháu trong gia đình thì họ vui lắm…Ban chấp hành Hội Chữ thập đỏ TP Rạch Giá và ban điều hành nhà dưỡng lão thời gian qua đã vận động các ban, ngành, đoàn thể, các tổ chức từ thiện và nhà hảo tâm đóng góp xây dựng nhà dưỡng lão khang trang và đầy đủ điều kiện để nuôi dưỡng các cụ già neo đơn không nơi nương tựa.
Chế độ nuôi dưỡng tại nhà dưỡng lão này luôn bảo đảm theo quy định của Nhà nước. Chế độ ăn uống, sinh hoạt hằng ngày nhằm đáp ứng đủ dinh dưỡng, chất lượng bữa ăn cho người lớn tuổi, đơn vị phải luôn chăm chút chế biến để đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.
Chị Phan Kim Tươi - nhân viên Nhà dưỡng lão TP Rạch Giá - chia sẻ ở đây, với các cô chú lớn tuổi, chị Tươi luôn xem như người thân trong gia đình. Do đó, ngoài là công việc hằng ngày, chị còn trò chuyện, hỏi thăm, động viên để cho ông Chín, bà Mai và nhiều người lớn tuổi khác ở đây cảm nhận được sự an tâm, yêu thương.
"Công việc nào cũng có niềm vui riêng, tôi cảm thấy hạnh phúc khi được chăm sóc các cô chú. Cô chú mỗi người có hoàn cảnh riêng nhưng được mình hỏi thăm, chăm chút qua từng miếng ăn, giấc ngủ, hoặc thậm chí một lời hỏi thăm như con cháu trong gia đình thì họ vui lắm...", chị Tươi chia sẻ thêm.
Nhà dưỡng lão TP Rạch Giá hiện đang nuôi dưỡng 20 người già neo đơn, trong đó có 3 người lớn tuổi đi lại khó khăn. Các cụ có thẻ bảo hiểm y tế, khi bệnh có nhân viên y tế chăm sóc.
Ông Nguyễn Thanh Trẻ - chủ tịch Hội Chữ thập đỏ TP Rạch Giá - cho hay Nhà dưỡng lão TP Rạch Giá thời gian qua đã trở thành "mái ấm" cho những người già neo đơn không nơi nương tựa ở địa phương.
Hoạt động của nhà dưỡng lão cũng được sự quan tâm và tiếp sức của những tấm lòng nhân ái trong cộng đồng xã hội. Nhiều nhà hảo tâm thường hỗ trợ vật chất để đơn vị có đủ điều kiện chăm sóc cho các cụ sống vui và ấm áp trong một gia đình chung này.
"Kinh phí nuôi dưỡng các cụ chúng tôi dựa vào chế độ bảo trợ của Nhà nước và sự đóng góp từ các nhà hảo tâm. Ngoài ra, đơn vị còn phối hợp với y tế tổ chức khám sức khỏe định kỳ mỗi tuần đảm bảo sức khỏe cho các cô, các chú lớn tuổi ở đây", ông Trẻ nhấn mạnh.
Ý kiến bạn đọc