Thực hiện chương trình công tác Đoàn năm 2024, trong năm, Đoàn cấp huyện đã đẩy mạnh các hoạt động hỗ trợ chủ thể là đoàn viên, thanh niên tham gia Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP)
Tháng 2/2024, Ban Thường vụ Huyện đoàn đã đến thăm cơ sở sản xuất bánh tráng của thanh niên Nguyễn Phúc Chiêu Ân, thuộc thôn Trà Châu xã Duy Sơn. Đây là cơ sở sản xuất chuyên về các dòng bánh tráng mỏng, bánh tráng cuốn, bún khô bún sợi có tên Kim Long.
Trao đổi với tổ chức Đoàn thanh niên địa phương, chị Chiêu Ân – chủ cơ sở sản xuất cho biết, Điểm đặc biệt của dòng sản phẩm Kim Long là khâu sản xuất không bị chi phối bởi thời tiết như các dòng bánh tráng thông thường. Sau khâu chọn nguyên liệu đầu vào kỹ càng từ loại gạo, nơi sản xuất đến ngâm ủ xay, bột được trải đều lên máy và chuyển sang sấy bằng máy móc công nghệ hiện đại. Nhân công phụ trách công việc theo dõi máy móc, xếp bánh, phân loại bao bì theo tiêu chuẩn và gắn nhãn mác trước khi phân phối. Việc sản xuất bánh tráng bằng thiết bị công nghệ như vậy vừa bảo đảm chất lượng đều đặn trong từng khâu cho đến thành phẩm, vừa tận dụng tối đa các sản phẩm thừa: bánh vụn vừa có thể làm bánh tráng trộn, bánh vụn nhỏ hơn và nước vo gạo cho những hộ nuôi heo... Đây là sản phẩm đăng ký OCOP năm 2024. Ban Thường vụ Huyện đoàn cùng Thường trực Đoàn xã đã hướng dẫn thủ tục bước đầu và động viên chị Chiêu Ân tham dự cuộc thi “ý tưởng khởi nghiệp đổi mới sáng tạo lần thứ 7 năm 2024” để làm tiền đề.
Ở một điển hình tiêu biểu khác, Bỏ phố về quê, từ đôi bàn tay trắng vươn lên, chị Phạm Thị Nhân (1992)-Chủ mô hình Trứng gà ác Hảo Nhân (xã Duy Trinh, huyện Duy Xuyên) đã khẳng định thương hiệu trứng gà ác trên thị trường, nhờ vào cách chăn nuôi khoa học và ứng dụng công nghệ sinh học trong xử lý chất thải.
Được sự hỗ trợ của chính quyền địa phương xã Duy Trinh và Huyện đoàn Duy Xuyên và sự động viên của gia đình cùng bạn bè, chị Nhân đã mạnh dạn vay vốn đầu tư xây dựng trang trại gà ác tại thôn Đông Yên. Trại nuôi gà ác Hảo Nhân là mô hình đầu tiên của xã Duy Trinh theo hướng sản xuất sạch, an toàn và được công nhận sản phẩm OCOP 3 sao vào năm 2021 và năm 2024 được Huyện đoàn hỗ trọ làm hồ sơ đánh giá phân hạng lại đạt chuẩn 3 sao theo quy định. Chị Phạm Thị Nhân năm 2024 cũng vinh dự là 01 trong 36 gương thanh niên nhận Giải thưởng Lương Định Của lần thứ XIX, năm 2024
Đối với trường hợp của chị Mai Thị Thu Sương-Chủ mô hình ốc nhồi ống nứa Huy Hoàng, ngoài việc hỗ trợ, tư vấn đăng ký sản phẩm OCOP 3 sao đối với SPKD mới, Đoàn cấp huyện còn tích cực hỗ trợ chị trong tham gia các Hội chợ Techfest, Hội chợ trưng bày giới thiệu sản phẩm miền núi và các tỉnh thành. Đặc biệt, cấp huyện cũng đã đồng hành cùng mô hình tham gia Cuộc thi KNST tỉnh Quảng Nam năm 2024, kết quả đạt giải Ba cấp tỉnh
Đổi mới trong tư duy sản phẩm, sáng tạo trong xây dựng thương hiệu, gắn phát triển kinh tế với bảo vệ môi trường là những điểm đột phá trong khởi nghiệp của thanh niên, đặc biệt là những người dám nghĩ dám làm. Hi vọng với sự giúp sức từ BTV Huyện đoàn và ĐTN các xã, tinh thần khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của thế hệ trẻ tại địa phương sẽ được phát huy nhiều hơn nữa trong thời gian tới.