Nhiều ngày nay, anh Cao Văn Thinh, chủ nhà hàng H.D trên đường Bạch Đằng (Tam Kỳ) kiêm thêm việc chở khách về nhà miễn phí trong một phạm vi nhất định. Khách hàng đến quán để nhậu có rất nhiều lựa chọn: hoặc nhờ người thân, sử dụng taxi, xe ôm đến quán và sau đó được đưa về, hoặc gửi xe ở lại quán, hôm sau có thể đến lấy.
“Tôi chủ động thông báo khi khách đến nhậu, và khuyên họ không nên lái xe sau khi đã uống rượu bia để tránh bị cảnh sát giao thông (CSGT) thổi phạt. Lý do này có vẻ thuyết phục được nhiều người hơn là lý do đảm bảo an toàn cho chính họ, bởi trước đây nhiều người vẫn tự lái xe về dù đã uống khá nhiều rượu bia.
Từ nhiều ngày nay, tôi cũng không uống rượu bia dù nhiều khách quen đến quán rủ rê giao lưu, để còn có thể hỗ trợ, đưa giúp khách về sau khi nhậu tại quán của mình” - anh Thinh cho hay.
Để tránh đối diện với mức phạt khá nặng, từ vài triệu đồng đến 40 triệu đồng tùy loại xe và nồng độ cồn, người dân bắt đầu chuyển sang dùng phương tiện công cộng. Taxi, xe ôm, thậm chí có người sẵn sàng... đạp xe đi nhậu.
Đạp xe sau khi đã uống rượu bia vẫn là lỗi vi phạm, nhưng mức phạt thấp hơn nhiều và thực tế cán bộ tuần tra, kiểm soát cũng chưa xử lý đối với trường hợp nào vi phạm nồng độ cồn khi điều khiển xe đạp. Tính xa hơn, nhiều “dân nhậu” rủ nhau tổ chức ăn nhậu tại nhà, vừa an toàn, tránh bị CSGT phát hiện xử phạt.
Theo chân tổ tuần tra kiểm soát của Đội CSGT Công an TP.Tam Kỳ, chúng tôi ghi nhận nhiều tình huống “dở khóc, dở mếu” của người vi phạm khi bị phát hiện, lập biên bản xử lý.
Một thanh niên sau khi đã uống khá nhiều bia, lái xe máy trên đường Hồ Nghinh, phát hiện CSGT liền quay đầu tăng ga, bỏ chạy vào một con đường bê tông. CSGT dùng mô tô chuyên dụng truy đuổi, yêu cầu thanh niên chấp hành đo nồng độ cồn, kiểm tra giấy tờ.
Trong quá trình lập biên bản trường hợp này, tổ tuần tra kiểm tra, phát hiện 2 trường hợp khác cũng vi phạm lỗi tương tự. Phát hiện CSGT “cắm chốt” ngay trên đường bê tông, nhiều người dân sống gần đó liền thông báo cho các phương tiện... quay xe, đi đường vòng để tránh bị kiểm tra.
Ngoài ra, khi thấy lực lượng tuần tra, nhiều người tham gia giao thông lợi dụng đường ngang, ngõ tắt quay xe bỏ chạy, việc truy đuổi, xử lý cũng gặp không ít khó khăn.
Cố tình trốn chạy, nhưng khi bị bắt, đo nồng độ cồn và lập biên bản, tài xế viện đủ lý do để xin xỏ. Những trường hợp này, CSGT kiên quyết tịch thu phương tiện, tạm giữ giấy tờ, thông báo lỗi vi phạm và hướng dẫn đến cơ quan công an để xử lý theo quy định.
Theo Thiếu tá Nguyễn Đức Nhâm - Đội phó Đội CSGT Công an TP.Tam Kỳ, từ khi ra quân thực hiện cao điểm tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm, tập trung các lỗi trực tiếp là nguyên nhân gây ra tai nạn giao thông như nồng độ cồn, sử dụng ma túy, chạy quá tốc độ..., tình trạng vi phạm có chiều hướng giảm mạnh.
Người dân đã chấp hành tốt hơn rất nhiều. Các tài xế, đặc biệt là tài xế ô tô hầu như không dám lái xe sau khi đã uống rượu bia. Số khác thì sử dụng phương tiện taxi, xe ôm, chỉ có một bộ phận nhỏ người dân chưa chấp hành.
“Những trường hợp vi phạm, khi tuần tra, phát hiện chúng tôi sẽ kiên quyết xử lý nghiêm để đảm bảo tính răn đe của pháp luật. Theo thống kê, từ giữa tháng 2 đến nay, trên địa bàn Tam Kỳ không có vụ tai nạn giao thông chết người nào, giảm 2 vụ, giảm 2 người chết so với tháng liền kề trước đó.
Điều này phần nào cho thấy hiệu quả của việc tăng cường tuần tra, xử lý, giúp người dân nâng cao nhận thức, ý thức, xây dựng văn hóa giao thông, có trách nhiệm chung tay cùng xã hội phòng ngừa, ngăn chặn các vụ tai nạn giao thông đáng tiếc do vi phạm nồng độ cồn gây ra. Chúng tôi sẽ nỗ lực duy trì kiểm soát, xử lý để thói quen văn hóa “đã uống rượu bia không lái xe” lan tỏa mạnh hơn trong thời gian tới” - Thiếu tá Nguyễn Đức Nhâm chia sẻ.
Nguồn tin: BÁO QUẢNG NAM
Ý kiến bạn đọc