Dư luận xã hội phẫn nộ trước vụ việc một người bị chết oan vì mâu thuẫn của một số thanh thiếu niên. Theo tài liệu điều tra của Công an quận Hoàn Kiếm (Hà Nội), ngày 8-3, Công an quận ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can, tạm giam 17 đối tượng về tội giết người và gây rối trật tự công cộng. Theo tài liệu điều tra, Hoàng Thế Anh (SN 2003, ở huyện Thanh Trì, Hà Nội) cầm đầu nhóm 16 đối tượng khác sinh trong khoảng từ năm 2002 - 2005. Thế Anh cùng với nhóm bạn của mình có mâu thuẫn trên mạng xã hội Facebook với Ngô Thành Luân (SN 1997, ở Hà Nội). Luân tập hợp bảy đối tượng khác tạo thành "đối trọng" với nhóm của Hoàng Thế Anh. Khoảng 1 giờ 18 phút ngày 24-2, nhóm của Thế Anh điều khiển xe máy mang theo hung khí gồm dao mèo, dao tông, tuýp sắt gắn dao nhọn đi đến khu vực đường Trần Hưng Ðạo (quận Hoàn Kiếm) gặp anh H.T.M chở chị N.T.M.H (SN 2005, trú quận Hà Ðông, Hà Nội) ngồi sau. Do nhầm tưởng anh H.T.M thuộc nhóm đối thủ của mình cho nên Thế Anh cùng các đối tượng nhảy xuống dùng hung khí chém anh H.T.M khiến anh M chết. Ngay sau khi tiếp nhận tin báo, Công an quận Hoàn Kiếm phối hợp Viện Kiểm sát nhân dân quận Hoàn Kiếm và các phòng nghiệp vụ công an thành phố đã điều tra, làm rõ toàn bộ đối tượng gây án và nhóm các đối tượng có hành vi gây rối trật tự công cộng. Ngày 24-2, Công an quận Hoàn Kiếm đã khởi tố vụ án giết người, gây rối trật tự công cộng để điều tra; khởi tố bị can, ra lệnh tạm giam đối với Hoàng Thế Anh cùng các đồng phạm. Theo chỉ huy Ðội Cảnh sát hình sự, Công an quận Hoàn Kiếm, quá trình điều tra vụ án, đơn vị gặp khá nhiều khó khăn khi giữa bị hại và các đối tượng không có liên quan, mâu thuẫn gì với nhau. Bản thân những đối tượng sau khi gây án đã biết là chém nhầm cho nên bỏ chạy tán loạn, cắt đứt những mối liên hệ tạm thời với nhau để che giấu hành vi.
Tại tỉnh Quảng Ninh, khoảng 21 giờ 20 phút ngày 13-4, Tổ công tác của Công an thị xã Quảng Yên làm nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát trên địa bàn phường Quảng Yên phát hiện nhóm nam thanh thiếu niên đang đi trên năm xe máy và cầm theo một số dao phóng lợn với mục đích đi đánh nhau. Cơ quan công an đã xác định được 11 đối tượng. Tại cơ quan công an, các đối tượng nêu trên khai nhận cầm theo hung khí để đi đánh nhau nhưng bị phát hiện bắt giữ. Theo Bộ Công an, hành vi phạm tội do người ở lứa tuổi vị thành niên gây ra khá phức tạp. Nguyên nhân chủ yếu là do tâm sinh lý lứa tuổi này phát triển chưa hoàn thiện, dễ bị lôi kéo, dụ dỗ, kích động tham gia vào những việc làm sai trái, dễ nảy sinh hành vi phạm tội. Nhiều gia đình chưa quan tâm đúng mực trong quản lý, giáo dục hoặc áp đặt cách giáo dục không phù hợp, thậm chí còn dung túng, bao che, giấu giếm hành vi phạm tội và vi phạm pháp luật của con em. Việc tổ chức quản lý, giáo dục đạo đức, pháp luật, bồi dưỡng nhân cách cho học sinh, sinh viên của một số nhà trường chưa được chú trọng. Sự phối hợp giữa gia đình, nhà trường và xã hội trong quản lý, giáo dục con em chưa thật sự chặt chẽ, thường xuyên, còn mang tính hình thức. Tác động tiêu cực của các ấn phẩm đồi trụy, trò chơi bạo lực trên in-tơ-nét đối với thanh thiếu niên đang trong giai đoạn phát triển về nhận thức. Hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về xử lý thanh thiếu niên vi phạm còn bất cập, mức hình phạt với hành vi phạm tội do người chưa thành niên gây ra còn nhẹ, chưa đủ tính răn đe.
Trước tình hình nêu trên, Bộ Công an đề xuất Chính phủ xem xét, duyệt bổ sung Dự án "Ðấu tranh phòng, chống tội phạm xâm hại trẻ em, tội phạm trong lứa tuổi chưa thành niên" vào Chương trình mục tiêu quốc gia phòng, chống tội phạm; tập trung rà soát, nghiên cứu, đề xuất Chính phủ, Quốc hội sửa đổi, bổ sung và hoàn thiện các quy định của pháp luật, tạo hành lang pháp lý đầy đủ phục vụ công tác phòng, chống tội phạm do người ở tuổi vị thành niên gây ra. Ðồng thời, chỉ đạo công an các đơn vị, địa phương tham mưu cấp ủy, chính quyền các cấp chỉ đạo các ban, ngành, đoàn thể tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 48-CT/TW, ngày 22-10-2010 của Bộ Chính trị (khóa X) về "Tăng cường sự lãnh đạo của Ðảng đối với công tác phòng, chống tội phạm trong tình hình mới"; gắn với thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về tăng cường các biện pháp đấu tranh phòng, chống tội phạm và các chương trình quốc gia phòng, chống tội phạm; phòng, chống ma túy; phòng, chống mua bán người giai đoạn 2012 - 2015; Chỉ thị số 09-CT/TW ngày 1-12-2011 của Ban Bí thư T.Ư Ðảng (khóa XI) về "Tăng cường sự lãnh đạo của Ðảng đối với công tác xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc trong tình hình mới", nhằm phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và toàn dân trong công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm, bảo đảm an ninh, trật tự. Bên cạnh đó, Bộ Công an cũng chỉ đạo công an các địa phương phối hợp chặt chẽ các ban, ngành, đoàn thể triển khai thực hiện có hiệu quả các chương trình, kế hoạch, nghị quyết liên tịch về phòng ngừa, đấu tranh phòng, chống tội phạm do người ở tuổi vị thành niên gây ra. Chú trọng thực hiện các biện pháp giải quyết tình trạng thanh thiếu niên lang thang, mắc tệ nạn xã hội, vi phạm pháp luật và phạm tội. Ðẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức của người dân về vị trí, tầm quan trọng của công tác phòng ngừa tội phạm do người ở tuổi vị thành niên gây ra. Nội dung tuyên truyền phù hợp từng đối tượng, lứa tuổi, vùng, miền, dân cư, giúp các tầng lớp nhân dân hiểu được tâm lý thanh thiếu niên để chủ động phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn tội phạm do người ở tuổi vị thành niên gây ra. Tăng cường các biện pháp nâng cao hiệu quả giáo dục, quản lý đối với thanh thiếu niên tại gia đình, nhà trường, địa phương để chủ động giáo dục, ngăn ngừa tội phạm từ cơ sở. Triển khai xây dựng và nhân rộng các mô hình về phòng, chống tội phạm trong thanh thiếu niên, như "Khu nội trú sinh viên an toàn, văn minh, không có tội phạm và tệ nạn xã hội", "Uống nước nhớ nguồn", "Thắp sáng ước mơ hoàn lương"...
Nguồn tin: Báo Nhân dân online
Ý kiến bạn đọc