Tất cả là khoảnh khắc, sự dũng cảm của Đệ trở thành câu chuyện "đứa trẻ anh hùng" ở làng biển Sa Huỳnh.
Cứu được người nhưng suýt chết, nên giờ nghĩ lại em cũng hơi sợ chứ lúc đó thì không.Nhà Đệ ở thôn Thạnh Đức 1, phường Phổ Thạnh (thị xã Đức Phổ), vây quanh là biển. Khung cảnh Sa Huỳnh đẹp với những ghềnh đá xếp tầng tựa như tranh vẽ. Nhưng chính những nơi này là vùng nước sâu, sóng dữ. Bãi biển Hóc Mó - nơi Đệ cứu người - là điểm du lịch nổi tiếng với bờ cát trắng và những "trận đá" xô ra biển, cũng từng có nhiều vụ đuối nước thương tâm.
Cứu được người song Đệ kiệt sức, bị chấn thương phần mềm phải nhập viện. Cậu trở về nhà sau hai ngày điều trị đã ổn hơn, nhưng vết đau ở chân vẫn nhói từng cơn. Kể chuyện lao ra biển cứu người, Đệ gãi đầu, cười hết nấc, ngượng ngùng: "Tự dưng em trở thành người hùng, ngại òm".
Đó là khoảng 16h ngày 10-4, Đệ cùng đám bạn đá bóng ở bãi biển Hóc Mó. Đệ còn đang đuổi theo quả bóng nhưng bỗng khựng lại, rồi lao về phía gò đá cách đó chừng 200m. "Em nghe tiếng "cứu, cứu" nên bỏ ngang trận đấu chạy đi. Đến nơi thấy hai người đang bị sóng cuốn ra xa, em cứ thế lao xuống cứu" - Đệ kể.
Đệ biết bơi từ nhỏ nhưng cũng nhớ lời dặn của cha mẹ và chú bác trong làng có tắm biển nhớ né xa gò đá bởi là gò sóng dữ. Đệ bảo lúc đó tính kêu người lớn nhưng chậm chân là không kịp. Hai người Đệ cứu là Mai Thị Thanh Ngân (14 tuổi) và Phạm Minh Quân (19 tuổi).
Quân kể biết bơi nên tắm phía xa, còn Ngân tắm gần bờ. Đang bơi, thấy Ngân đuối nước và sắp chìm, Quân vội bơi đến cố sức đưa Ngân vào nhưng sóng lôi cả hai ra xa. Quần nhau với sóng, Quân đuối sức, chỉ biết gào lên "cứu, cứu".
Đệ lao ra dùng hết sức đẩy Ngân vào bờ, rồi lại lao ra một lần nữa cứu Quân. Khi tất cả an toàn, Đệ kiệt sức nằm thở hổn hển cùng vết thương ở chân. Quân ngất xỉu phải sơ cứu. Ngân uống nước quá nhiều khó thở nên ngồi co ro, bà con phải đốt lửa sưởi ấm. Rồi cả ba được đưa đi cấp cứu. Quân và Đệ đều ớn lạnh khi nhớ lại khoảnh khắc ấy.
Thoát chết, với Quân và Ngân, Đệ là ân nhân mà cả cuộc đời phải mang ơn. Bà Nga - mẹ Quân - kể lúc nghe bà con nói Quân đuối nước, bà ngất xỉu vì nghĩ chuyện xấu nhất, đến lúc tỉnh dậy mới biết con mình an toàn vì được Đệ cứu kịp.
"Hai gia đình chúng tôi xem Đệ là ân nhân. Chỉ có sự dũng cảm mới giúp Đệ vượt qua nỗi sợ bơi ra cứu người hai lần như thế, vì đến người lớn bơi ở gành đá Hóc Mó còn khó nói chi một đứa trẻ gồng sức cứu người" - bà Nga nói.
Con cứu người, bà Trần Thị Loan - mẹ Đệ - rất tự hào bởi con còn nhỏ đã biết nghĩ cho người khác, song bà cũng đầy nỗi lo. Bà lại phải dặn nếu có lần sau cần chạy đi kêu người lớn chứ không tự ý lao ra biển như rứa! Ngồi bên cạnh, Đệ nói: "Con cũng muốn đi kêu, mà vậy không kịp đâu". Bởi chiều đó, nghe con dâu điện nói Đệ đuối nước được đưa đi cấp cứu, bà ngã quỵ, ú ớ kêu chồng mới nhớ ra ông đang đi biển. Bà cứ nghĩ thằng Đệ tắm biển xảy ra chuyện, chứ ai ngờ nó liều mình cứu người.
Đệ là con thứ ba trong gia đình bốn anh chị em. Thương cha mẹ vất vả, mấy anh em Đệ tự bảo ban nhau học, giúp ba mẹ công việc nhà. Trong mắt hàng xóm, Đệ là đứa trẻ lễ phép. Bây giờ, Đệ còn là đứa trẻ dũng cảm. Bà Võ Thị Kim Loan (hàng xóm) nói: "Nghe Đệ bơi ra biển cứu hai người mà tôi thót tim. Chắc nó dũng cảm nên trời thương, chứ 12 tuổi sao đủ sức gồng với sóng Hóc Mó. Tôi là chòm xóm chớ cũng hãnh diện lây".
Thầy Võ Tấn Khả - hiệu trưởng Trường THCS Phổ Thạnh - bảo hành động dũng cảm của Đệ là tấm gương sáng cho các bạn khác. "Sau khi Đệ xuất viện, đi học trở lại, trường đã tuyên dương trước toàn trường vì hành động quá đẹp này" - thầy Khả nói.
Đệ đã được chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi trao bằng khen vì hành động dũng cảm cứu người này. Bí thư Tỉnh Đoàn Quảng Ngãi Cao Lê Tùng Nghĩa đã tặng bằng khen của Tỉnh Đoàn để biểu dương hành động đẹp của Đệ.
Anh Tùng Nghĩa cho biết Tỉnh Đoàn đã hoàn tất hồ sơ đề nghị Trung ương Đoàn xét trao huy hiệu "Tuổi trẻ dũng cảm" vì hành động của bạn ấy quá xứng đáng.
Ý kiến bạn đọc