Cháu Nguyễn Đình Ngọc Hân (11 tuổi) xúc động nói: "Ba ruột con mất rồi, mẹ con cũng bỏ đi. Bù lại con có nhiều cha mẹ luôn. Ở đây ai cũng thương con. Con thích sống ở đây lắm".
Thượng tá Huỳnh Khắc Dũng, trưởng Công an huyện Sơn Tây, mấy năm qua nhìn Hân lớn lên mà rất vui. "Cái ăn, cái mặc cháu không thiếu gì cả. Chỉ mong cháu sáng dạ, học giỏi mai này lớn lên tự lo cho cuộc đời mình. Không có cái chữ là khổ lắm", ông Dũng trải lòng.
Buổi chiều miền sơn cước, mưa trút từng cơn. Tại trụ sở Công an huyện Sơn Tây, công việc cũng vừa xong, anh em ra sân bóng chuyền vận động. Trung úy Mai Hà Nam hôm nay không ra sân mà đi thẳng đến phòng Hân, kiểm tra bài.
"Tôi tranh thủ kiểm tra việc học tiếng Anh của cháu. Nếu chưa ổn, tôi chỉ bảo thêm cho cháu học", anh Nam nói.
Sơn Tây là huyện miền núi xa nhất tỉnh Quảng Ngãi. Cái tên mỹ miều "xứ ngàn cau" không xóa đi sự khó khăn về học vấn, phổ cập giáo dục vẫn là mục tiêu những năm tiếp theo. Nhắc đến điều này để thấy vì sao cán bộ chiến sĩ công an huyện thay nhau chỉ dạy Hân học. Nhất là môn tiếng Anh phải chuyên cần mỗi ngày, để sau này Hân không bỡ ngỡ khi rời khỏi núi rừng, bước ra thành phố theo đuổi con chữ cao hơn.
Hân về đơn vị sinh sống trùng thời gian thượng tá Dũng lên núi nhận nhiệm vụ trưởng Công an huyện. Ông Dũng nhớ lúc đó nghe anh em kể chuyện một công an bán chuyên trách ở xã Sơn Dung mất vì tai nạn giao thông, để lại hai con nhỏ bơ vơ.
"Đáng buồn nhất là mẹ cháu không chịu nổi cực khổ đã bỏ đi tìm cuộc sống mới, nên tôi nói anh em đến thăm. Sau đó xin ông nội cháu cho chúng tôi nhận cháu về nuôi", thượng tá Dũng kể.
Ông Hải, ông nội Hân, bảo rằng cả đời ông không trả hết ân tình của Công an huyện Sơn Tây dành cho gia đình. Con trai đột ngột qua đời, rồi con dâu bỏ đi. Ông Hải chưa tìm được lối thoát nào cho cháu mà ông chỉ biết cố đi làm thuê, chạy ăn từng bữa không để cháu đói.
"Đến cái nhà nhỏ thó này, tôi cũng dựng lên trên phần đất hàng xóm cho mượn, lấy gì mà nuôi cháu. May sao Công an huyện nhận nuôi, giờ tôi tin cháu tôi có tương lai rồi", ông Hải tâm tình.
Ông Hải bảo Công an huyện Sơn Tây nhận nuôi cả hai đứa nhưng em gái Hân bị tật, sinh hoạt cần người khác lo nên ông giữ lại để tiện chăm sóc.
"Nói thật, bốn năm trước con bé đen nhẻm, nhỏ xíu, chẳng tự làm được việc gì. Tôi sợ công an nhận nuôi mà không thương, nó sẽ buồn. Giờ tôi an tâm tuyệt đối, cháu ở đó sướng hơn ở với tôi rất nhiều.
Cháu tôi giờ trắng trẻo, tăng cân và học giỏi. Quan trọng nhất là từ anh trưởng công an đến cán bộ chiến sĩ đều thương nó", ông Hải bộc bạch.
Ngày đó, thượng tá Dũng hiểu tâm lý của ông Hải, và mỗi lần ông đến, anh em đơn vị niềm nở đón tiếp để ông an tâm.
Có lần thượng tá Dũng phải "chấn chỉnh" cách thương cháu của ông Hải. Việc ông mang quần áo về giặt đã khiến Hân ỷ lại, nhiều lần Hân để quần áo cả tuần không giặt.
Ông Dũng kể: "Lúc cháu mới đến, anh em thay nhau giặt quần áo, lo cho cháu ăn ngủ. Sau tập tành cho cháu tự giặt quần áo. Ngủ dậy phải gấp chăn và dọn dẹp phòng. Yêu thương phải đúng cách, nếu không cháu sẽ chẳng lớn lên được".
Hân là trung tâm của tất cả tình yêu thương ở Công an huyện Sơn Tây, mỗi ngày anh em chia nhau đưa đón cháu đi học. Thượng tá Dũng nhẩm tính ngoài ăn uống tại đơn vị, tiền sữa, học thêm và các sinh hoạt khác của cháu khoảng 1,5 triệu đồng/tháng. Số tiền này trở thành khoản "chi thường xuyên" của đơn vị.
Nhìn Hân quấn quýt bên các cô chú công an, ông Dũng bảo may mắn lớn nhất là đơn vị đóng ở miền núi, anh em ở lại cơ quan nên có nhiều thời gian quan tâm đến cháu.
"Có hôm bận quá, cháu học xong, anh em lỡ quên đón. Hân tự đi bộ về đến cổng đã phụng phịu nói "Các chú quên con nghen, con giận rồi" khiến ai cũng mắc cười. Tôi vỗ về cháu, xong nói với anh em con bé như thủ trưởng vậy, nhiệm vụ yêu thương phải hoàn thành, không là bị giận ngay", thượng tá Dũng hài hước.
Lớn lên trong tình yêu thương, dạy bảo đúng cách, cô bé nhút nhát ngày nào giờ năng động, có những suy nghĩ riêng. Cả đơn vị mừng nhưng thi thoảng cũng lo. Có hôm Hân đi chơi với bạn mà không xin phép trước, cả đơn vị nháo nhào đi tìm. Hôm khác, Hân đi chơi về muộn bị nhắc nhở bằng những lời nghiêm, cô bé dỗi khóc.
Tối hôm đó, phòng Hân trống trơn, cả đơn vị lại thức giấc trong đêm. Thượng tá Dũng nhận được điện thoại báo Hân "mất tích" đã hoang mang tột độ.
"Lúc đó, tôi xuống TP Quảng Ngãi họp, không có mặt ở đơn vị. Tôi nói anh em lập tức đi tìm. Sau nhớ lại thường bị rầy la là Hân lên méc tôi, nên nói lên phòng tôi xem con bé có trên đó không. Lên thì thấy nó bật tivi coi rồi ngủ quên", thượng tá Dũng kể.
Chị Mến, cấp dưỡng ở đơn vị, thấy Hân tắm xong vào chải đầu cho cháu rồi trò chuyện. Hân đang vào tuổi dậy thì, tâm tính thay đổi, nhiều chuyện không thể nói với những người ba của mình, chỉ có thể tâm tình với các mẹ.
Chị Mến hiểu điều đó nên hay gần gũi, trao đổi. Tôi hỏi Hân "thương nhất người nào", cô bé nghĩ một hồi rồi nói "ở đây ai cũng thương con, con không biết thương ai nhất cả".
Thượng úy Lê Minh Châu, mới chuyển công tác từ Công an huyện Sơn Tây đến Công an tỉnh Quảng Nam, bảo rất thương và nhớ Hân. Trước đây, anh Châu thường đưa đón cháu đi học, có lần anh còn đi họp phụ huynh, nghe cô giáo khen tất tần tật, anh Châu về báo lại và cả đơn vị vui hạnh phúc với đứa con chung này.
Niềm vui lớn nhất với Công an huyện Sơn Tây là Hân học rất giỏi, bốn năm liền là học sinh xuất sắc, điểm các môn học gần như tuyệt đối. Nhiều tính toán cho tương lai của Hân được đưa ra. Trong đó có phương án xét cho cháu học "Văn hóa nhỏ tuổi" của Bộ Công an. Mỗi ngày, cả đơn vị lại cố gắng rèn luyện tư chất cho cháu, niềm tin cứ thế lớn dần.
Bằng sự yêu thương, Công an huyện Sơn Tây đón Hân về nuôi như con. Tình cảm ấy đã lan tỏa cả lực lượng, công an các xã ở huyện Sơn Tây cũng nhận nuôi con mồ côi. Chỉ khác là các cháu vẫn ở với ông bà, mỗi ngày công an xã tới lui thăm, thiếu gì lại mua, dặn dò học tập.
"Đây không phải là mô hình lấy thành tích. Chúng tôi thực làm vì địa bàn công tác có nhiều hoàn cảnh khốn khó. Tiếc là trụ sở công an xã không rộng như ở huyện để bố trí phòng nuôi các con. Nếu có, các xã cũng đón về nuôi rồi", thượng tá Dũng nói.
Nguồn tin: Báo Tuổi trẻ
Ý kiến bạn đọc