(ĐCSVN) - Soi chiếu trong giai đoạn hiện nay, Quy định 144 không chỉ là chuẩn mực để mỗi cán bộ, đảng viên “tự soi”, “tự sửa”, không ngừng tu dưỡng, rèn luyện, phấn đấu để hoàn thiện bản thân mà còn là “thước đo” đối với phẩm chất, đạo đức và năng lực của họ, từ đó để sàng lọc, sử dụng cán bộ và góp phần bồi đắp niềm tin của Nhân dân đối với Đảng.
Đồng chí Nguyễn Minh Tâm, Bí thư Đảng ủy phường Phố Huế (quận Hai Bà Trưng, thành phố Hà Nội) quan tâm đến Điều 4 trong Quy định số 144-QĐ/TW ngày 09/5/2024 của Bộ Chính trị về chuẩn mực đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên trong giai đoạn mới liên quan đến vấn đề đoàn kết, kỷ cương, tình thương, trách nhiệm, trong đó nêu rõ: “Luôn luôn giữ gìn sự đoàn kết, thống nhất trong Đảng, cơ quan, tổ chức và trong Nhân dân, trước hết là ở chi bộ, cơ quan, đơn vị công tác, khu dân cư”. Điều 4 còn nhấn mạnh tầm quan trọng của sự đoàn kết, cả trong nội bộ Đảng và với Nhân dân. Mọi sự chia rẽ, mâu thuẫn hoặc xung đột nội bộ đều cần được khắc phục và giải quyết một cách nhanh chóng và hiệu quả.
Bí thư Đảng ủy phường Phố Huế bộc bạch: “Là một đảng viên và Bí thư Đảng ủy, tôi luôn luôn giữ gìn sự đoàn kết, thống nhất trong Đảng, cơ quan, tổ chức và trong Nhân dân; kiên quyết đấu tranh với những biểu hiện chia rẽ, bè phái, cục bộ, lợi ích nhóm... Tôi cho rằng sự đoàn kết, thống nhất còn là nền tảng để Đảng phát triển bền vững và đối mặt với những thách thức và biến động của xã hội hiện nay”.
Ủng hộ, hoan nghênh và đánh giá cao việc ban hành Quy định 144 vào thời điểm này, đảng viên Nguyễn Xuân Toản, phường Đại Phúc, thành phố Bắc Ninh nêu quan điểm, Quy định 144 đặt ra những tiêu chuẩn và trách nhiệm cao đối với cán bộ, đảng viên và nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tự giác và tự rèn luyện để trở thành những người có phẩm chất đạo đức cao, đóng góp vào sự phát triển của bản thân, gia đình và tổ chức đảng. Đảng viên, cán bộ phải tự giác, tự quản và tự rèn luyện tuân thủ nguyên tắc và quy định của Đảng, cũng như pháp luật của Nhà nước. Đảng viên, cán bộ cần đặt ra mục tiêu phát triển bản thân, không ngừng học hỏi, nâng cao trình độ chuyên môn, kỹ năng và ý thức đạo đức, từ đó đóng góp mạnh mẽ và hiệu quả hơn vào công việc và cuộc sống.
Chưa hết, cán bộ, đảng viên phải là người gương mẫu trong gia đình, thực hiện đúng các giá trị đạo đức, tôn trọng và quan tâm đến thành viên trong gia đình, xây dựng một môi trường gia đình lành mạnh và hạnh phúc. Đồng thời hoàn thành nhiệm vụ và trách nhiệm được giao từ tổ chức đảng một cách trách nhiệm và tận tụy; không lợi dụng quyền lợi và vị trí của mình để mưu cầu lợi ích cá nhân...
Với góc nhìn của mình, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục của Quốc hội Tạ Văn Hạ cho rằng: Thời điểm này việc ra đời Quy định 144 là rất là phù hợp và cần thiết. Chuẩn mực đạo đức của cán bộ, đảng viên về nội hàm, nội dung trong Quy định 144 không phải là mới. Vì trong quá trình hoạt động cách mạng của đất nước thì những quy định về tiêu chuẩn, đạo đức, lối sống, phẩm chất, về những năng lực cần thiết của người cán bộ, đảng viên… đã được quy định. Qua mỗi thời kỳ được bổ sung, chuẩn hóa cho phù hợp với xu thế và sự phát triển của dân tộc, thời đại. Hiện nay, người cán bộ, đảng viên ngoài giá trị tốt đẹp của dân tộc, gia đình, quê hướng, còn có giá trị đạo đức cách mạng, giá trị của Đảng, giá trị của Bác và giá trị được đúc kết từ lớp lớp các thế hệ cha anh. Ngày nay, đối với những cán bộ, đảng viên ngoài đạo đức dân tộc, đạo đức cách mạng còn đòi hỏi cao hơn. Trong đó, Quy định 144, đề cao lòng tự trọng, yêu cầu cán bộ, đảng viên phải tự nhìn nhận lại chính bản thân mình, soi xét để giữ gìn, phát huy. Coi trọng tự trọng cá nhân cũng chính là để bảo vệ chính con người đó và bảo vệ Đảng, bảo vệ tổ chức.
Là đảng viên có nhiều tuổi Đảng, nguyên Phó Giám đốc Học viện Ngân hàng Lê Nam Thắng, phường Ngã Tư Sở, quận Thanh Xuân, thành phố Hà Nội khẳng định, Quy định này như một "cẩm nang" thể hiện đầy đủ, toàn diện những chuẩn mực về mục tiêu, lý tưởng, bản lĩnh, tinh thần đổi mới, sáng tạo; về tinh thần đoàn kết, lòng yêu thương, tình thương, trách nhiệm… và phương pháp, nguyên tắc tu dưỡng, rèn luyện của cán bộ, đảng viên.
Do đó, mỗi cán bộ, đảng viên cần phát huy vai trò nêu gương trong xây dựng ý chí, khát vọng phát triển đối với bản thân, cơ quan, đơn vị mình; không ngừng học tập, tu dưỡng, rèn luyện, trau dồi đạo đức cách mạng, tự giác nêu gương cần kiệm, liêm chính, lao động sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm. Mỗi cán bộ, đảng viên tự nêu gương sáng thì hàng triệu đảng viên là những tấm gương sáng, toàn Đảng ta sẽ thực sự trong sạch, vững mạnh, gắn bó máu thịt với Nhân dân.
Tương tự, đảng viên Nguyễn Xuân Đán, quận Thủ Đức, thành phố Hồ Chí Minh cho rằng: Quy định 144 thể hiện nghiêm túc, quyết liệt khi đề ra những tiêu chuẩn đạo đức của cán bộ, đảng viên trong giai đoạn mới, khẳng định quyết tâm của Đảng trong xây dựng, chỉnh đốn Đảng, hướng đến mục tiêu hoàn thiện chuẩn mực đạo đức cách mạng của mỗi cán bộ, đảng viên, không ngừng tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, chuyên môn nghiệp vụ, năng lực, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong giai đoạn mới.
“Tôi thấy việc ban hành Quy định 144 không chỉ là căn cứ để cán bộ, đảng viên rèn luyện, tự điều chỉnh nhận thức và hành vi, mà còn là cơ sở cho việc giáo dục đạo đức cách mạng, hình thành đội ngũ cán bộ, đảng viên có đức, có tài, đủ uy tín, ngang tầm nhiệm vụ trong thời kỳ mới” - đảng viên Nguyễn Xuân Đán tâm đắc.
Phó Trưởng ban Ban Dân nguyện thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội Hoàng Anh Công thì cho rằng: Ý nghĩa rất lớn của Quy định 144 là cán bộ, đảng viên căn cứ vào các chuẩn mực đạo đức này để họ biết tự soi, tự sửa, biết cách, biết hướng để rèn luyện một cách rõ ràng, cụ thể. Khi mở Quy định này ra, đọc theo các điều của Quy định thì sẽ biết cách phải làm như thế nào để không mắc vào những vi phạm về mặt đạo đức, để làm sao đảm bảo mỗi cán bộ, đảng viên phải gương mẫu, là tấm gương cho quần chúng noi theo, người dân nhìn vào. Điều đó có ý nghĩa thực tiễn cao và sâu xa, khẳng định đây là lần chuẩn hóa lại hệ thống các tiêu chí đạo đức của người cách mạng trong giai đoạn mới.
Nhiều cán bộ, đảng viên cho rằng, Quy định 144 chắc chắn góp phần nâng cao ý thức tự giác, tự tu dưỡng, rèn luyện, tận tâm, tận lực của mỗi cán bộ, đảng viên để cống hiến trí tuệ, sức lực cho Đảng, phụng sự đất nước và phục vụ Nhân dân. Và để lan tỏa điều này, phải đề cao trách nhiệm và sự gương mẫu của người đứng đầu. Cán bộ phải thực hành chữ liêm trước, để làm kiểu mẫu cho dân; bởi niềm tin của cán bộ, đảng viên, Nhân dân vào Đảng luôn gắn liền với niềm tin vào người đứng đầu. Vì vậy, người đứng đầu phải nêu gương về đạo đức, giữ gìn phẩm chất liêm khiết, công minh, chính trực. Ngoài ra, cần nâng cao vai trò giám sát của Nhân dân, người dân cần biết rõ quyền hạn của mình để kiểm soát cán bộ, giúp cán bộ thực hiện chữ liêm. Từ ý kiến của các đảng viên, chúng ta thấy rằng, Quy định 144 như "thước đo" để mỗi cán bộ, đảng viên tự xem và răn mình, “tự soi” khiếm khuyết, thiếu sót để phấn đấu hoàn thiện hơn, xứng đáng là công bộc của Nhân dân. Để thực hiện quy định, mỗi cán bộ, đảng viên cần không ngừng học tập, tu dưỡng, rèn luyện, trau dồi đạo đức cách mạng, tự giác nêu gương cần kiệm, liêm chính, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm.
Hàng triệu đảng viên là những tấm gương sáng thì toàn Đảng ta sẽ thực sự trong sạch, vững mạnh, gắn bó máu thịt với Nhân dân. Đúng như lời Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Người đảng viên - dù công tác to hay nhỏ, địa vị cao hay thấp - ở đâu cũng phải làm gương mẫu cho quần chúng... Mà muốn cho quần chúng hăng hái thi hành, thì người đảng viên ắt phải xung phong làm gương mẫu để quần chúng bắt chước, làm theo”. Điều đó có nghĩa là muốn Nhân dân tin theo, mỗi cán bộ, đảng viên phấn đấu làm tròn, làm đúng, làm tốt nhiệm vụ của mình, tức là làm đầu tàu trong mọi công việc, thì công việc dù khó mấy cũng sẽ thành công.
Trao đổi với chúng tôi, một số ý kiến cho rằng, thực hiện Nghị quyết 144 không chỉ góp phần nêu cao ý thức tự giác cho cán bộ, đảng viên, mà từ ý thức tự giác này chắc chắn sẽ là cơ sở góp phần bồi đắp niềm tin của Nhân dân vào đội ngũ cán bộ trong thời kỳ mới. Bởi Quy định 144 đã từng bước mở rộng hơn tiêu chuẩn của người cán bộ, đảng viên, nhấn mạnh yếu tố "bản lĩnh, đổi mới, sáng tạo, hội nhập" là những tố chất thể hiện năng lực, trí tuệ, chuyên môn trong công việc của họ. Đây là một bước phát triển mới trong nhận thức của Đảng về yêu cầu của đội ngũ cán bộ, đảng viên hiện nay. Đó là phải bảo đảm phát huy đồng đều hai yếu tố "hồng" và "chuyên". Bên cạnh đó, mỗi cán bộ, đảng viên, nhất là người có chức có quyền soi chiếu hằng ngày để tự sửa, tự rèn luyện, không quên mục đích, tôn chỉ Đảng đã nêu ra là "vì lợi ích quốc gia, dân tộc", "vì nhân dân phục vụ".
Phó Trưởng ban Ban Dân nguyện thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội Hoàng Anh Công nêu: Sự ra đời của Quy định 144 là một bước tiến tiếp tục của những quy định của Đảng về việc tăng cường đạo đức của cán bộ, đảng viên. Đây là quy định mang tính hệ thống. Sự ra đời của nó trong giai đoạn hiện nay, trong thời điểm này rất có ý nghĩa về mặt thời sự cũng như về mặt thực tiễn rất cao. “Tôi hi vọng sẽ có một lớp cán bộ, đảng viên gương mẫu để thực hiện nhiệm vụ vì Đảng, vì dân”.
Theo đồng chí Hoàng Anh Công, tiêu chuẩn về đạo đức của cán bộ đảng viên trong Quy định 144 đã có một bước tiến mới. Nếu như trước đây có những quy định của đảng về tự nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là của cấp Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương, Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư thì bây giờ nối tiếp là cán bộ, đảng viên nói chung đều phải thực hiện tiêu chuẩn đạo đức. Và không chỉ họ mà còn người thân, gia đình họ đều phải có trách nhiệm. Và mỗi cán bộ, đảng viên phải có trách nhiệm đề nghị, yêu cầu và giáo dục những người thân trong gia đình mình làm sao tuân thủ đúng theo quy định pháp luật để không những người đó mà còn cả những người xung quanh như vợ, chồng, con…, các đối tượng đúng theo Quy định 144 nêu ra đều phải có trách nhiệm.
“Tôi nghĩ đây là bước mở rộng hơn nữa để đảm bảo cho ý thức trách nhiệm của mỗi đảng viên và ý thức của mỗi người trong gia đình đảng viên đó, nhất là các đồng chí là lãnh đạo giữ vị trí quan trọng đều phải quan tâm và đều phải rèn giũa để không mắc vào những vi phạm và lợi dụng những vị trí của cha, anh, chồng, con… nhà mình để mà trục lợi. Đấy là điều cấm trong trách nhiệm của người đảng viên không được phép vi phạm” - Phó Trưởng ban Ban Dân nguyện nêu quan điểm.
Đồng quan điểm trên, TS Nhị Lê, nguyên Phó Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản nhận định: Quy định 144 là sự phát triển, bổ sung và hoàn thiện tư tưởng Hồ Chí Minh, cũng như hệ thống quan điểm của Đảng về công tác xây dựng Đảng trong tình hình mới. Thực hiện nghiêm chỉnh Quy định sẽ bồi đắp niềm tin của Nhân dân đối với Đảng trong công cuộc đấu tranh bảo vệ Đảng như bảo vệ con ngươi, tròng mắt của mình như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã căn dặn.
“Yêu cầu đặt ra tới đây, là tăng cường công tác kiểm tra, giám sát để Quy định 144 đi vào cuộc sống, tạo ra bước chuyển biến rõ nét trong rèn luyện đạo đức cán bộ, đảng viên. Đặc biệt, cùng với việc nêu gương của mỗi đảng viên thì sự giám sát của Nhân dân là thước đo quan trọng về uy tín, sức mạnh của mỗi đảng viên. Chúng ta kỳ vọng ở Điều 6 là tổ chức thực hiện, hướng dẫn đúng như lời dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đảng ta vừa là người lãnh đạo, vừa là người đầy tớ thật trung thành của Nhân dân nhưng cũng là đứa con nòi của Nhân dân lao động” – TS Nhị lê nói.
Dưới góc nhìn của mình, PGS.TS Trần Viết Lưu, Ủy viên Ban Thư ký Hội đồng khoa học các cơ quan Đảng Trung ương phân tích: Quy định chuẩn mực đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên trong thời kỳ mới là lẽ tự nhiên, trong đó phản ánh quy luật sinh tồn của một dân tộc giàu truyền thống văn hóa, lấy đạo đức làm cái gốc, lấy trí tuệ làm đòn bẩy sức mạnh tự lực, tự cường để chế ngự thiên nhiên và cải biến xã hội, lấy muôn dân làm đối tượng phụng sự. Tín nhiệm và thanh danh đều phải dựa vào sự hài lòng của Nhân dân, sự phát triển bền vững của đất nước, sự khâm phục của bạn bè thế giới. Khát vọng dân tộc có thành hiện thực hay không, trước hết phải dựa vào sức mạnh ý chí tự lực, tự cường từ mỗi cán bộ, đảng viên, qua đó truyền cảm hứng cách mạng, lan tỏa sâu rộng trong quần chúng nhân dân.
Nghiên cứu sâu sắc Quy định 144, chúng ta thấy rằng, Điều 6 “Tổ chức thực hiện” là rất quan trọng. Chính quá trình thực hiện những quy định bắt buộc đó sẽ dần tạo nên thói quen tự giác cho cán bộ, đảng viên thực hiện các chuẩn mực đạo đức cách mạng trong thời kỳ mới. Bên cạnh đó, các nội dung tiêu chí phấn đấu của cá nhân được xây dựng phải ngắn gọn, dễ nhớ, dễ thực hiện và phải phù hợp với chức trách, nhiệm vụ, điều kiện công tác của từng nhóm đối tượng cán bộ, đảng viên. Cấp ủy, tổ chức Đảng phải thẩm định kết quả tự đánh giá và thông qua bản tự đăng ký phấn đấu về chuẩn mực đạo đức của từng người để làm căn cứ theo dõi, giúp đỡ và kiểm tra việc thực hiện Quy định 144 của Bộ Chính trị trong giai đoạn hiện nay.
Làm được điều này, trước hết là cấp chi bộ phải phát huy tinh thần dân chủ, sức chiến đấu mạnh mẽ, đề cao kiểm điểm tự phê bình và phê bình, kịp thời ngăn chặn từ sớm, từ xa khi phát hiện cán bộ có biểu hiện lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ. Mặt khác, cán bộ, đảng viên cần phải nêu cao trách nhiệm xây dựng Đảng, mạnh dạn, thẳng thắn góp ý với đồng chí mình. Có như vậy không chỉ góp phần xây dựng Đảng mà chính là thể hiện tình cảm yêu thương đồng chí, là tính nhân văn cần có trong mỗi con người.
Một số ý kiến cũng nhấn mạnh đến việc cấp ủy, tổ chức Đảng phải làm tốt hơn nữa công tác giáo dục chính trị tư tưởng, đạo đức, lối sống cho cán bộ, đảng viên; nâng cao hiệu quả trong làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, để việc này thực sự như cơm ăn, nước uống hằng ngày trong mỗi tổ chức, cá nhân.
Đồng chí Tạ Văn Hạ, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục của Quốc hội bổ sung, Quy định 144 nêu những nội dung mới để cán bộ, đảng viên cần trau dồi, học tập suốt đời để lãnh đạo đất nước. Điều này hoàn toàn có cơ sở trong bối cảnh thế giới không ngừng thay đổi mạnh mẽ. Điều đó cho thấy, những yêu cầu, tiêu chí về các chuẩn mực đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên ngày càng được cụ thể hóa, phù hợp với tình hình thực tiễn, góp phần để cán bộ, đảng viên phấn đấu vươn lên đạt được những đỉnh cao hơn, hoàn thiện hơn về mặt phẩm chất đạo đức, đáp ứng được kỳ vọng của Nhân dân giao phó.
Trong quá trình đó, tính nêu gương của người đứng đầu có vai trò hết sức quan trọng. Nếu người đứng đầu thực hiện nghiêm, đảm bảo tính gương mẫu, nghiêm túc thì ở dưới sẽ không dám làm sai. Cấp dưới nhìn vào tấm gương của người đứng đầu để xem hình ảnh, sự tôn trọng, phẩm chất, năng lực của người lãnh đạo để người ta hướng tới, noi theo và có động lực, niềm tin để tự nhìn nhận bản thân mình và phấn đấu vươn lên đạt được phẩm chất đạo đức của người cán bộ, đảng viên trong thời kỳ mới.
Cùng quan điểm với đồng chí Tạ Văn Hạ, một số chuyên gia trong lĩnh vực xây dựng Đảng đề nghị phải hoàn thiện các quy định, trong đó có cả quy định về công tác cán bộ. Sử dụng đội ngũ cán bộ làm sao đúng người, đúng việc, đúng khả năng, năng lực của họ. Có như thế, uy tín của cán bộ, đảng viên mới ngày càng được nâng cao; vai trò, thị thế của tổ chức Đảng mới ngày càng vững chắc; niềm tin của Nhân dân vào Đảng, Nhà nước mới ngày càng bền chặt. Đây chính là nền tảng quan trọng nhất để xây dựng Đảng vững mạnh, đất nước phát triển, dân tộc trường tồn, niềm tin của Nhân dân đối với Đảng ngày càng vững chắc./.
Ý kiến bạn đọc