Họ và tên khai sinh: Nguyễn Văn Liêm
Họ và tên thường gọi: Nguyễn Viết Phu
Bí danh: Không.
Sinh ngày: 1904
Quê quán: Xã Duy Sơn, huyện Duy Xuyên, tỉnh
Quảng Nam
Dân tộc: Kinh
Tham gia cách mạng: Năm 1929.
Vào Đảng: 1930
Hy sinh: 1951.
Địa chỉ liên hệ của gia đình: Cháu Nguyễn Đình Hải, thôn Trà Kiệu Tây, xã Duy Sơn, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam.
QUÁ TRÌNH HỌC TẬP, CÔNG TÁC
Đồng chí Nguyễn Viết Phu sinh ra trong một gia đình nông dân nghèo giàu truyền thống yêu nước, sống dưới chế độ cai trị hà khắc của thực dân phong kiến, đồng chí đã chứng kiến nỗi khổ nhục của người dân mất nước và sớm tham gia vào phong trào đấu tranh cứu nước từ khi còn là một thiếu niên.
Năm 1927, đồng chí tham gia phong trào đọc sách báo tiến bộ của cụ Phan Châu Trinh phát động. Năm 1929, đồng chí tham gia hoạt động phong trào Thanh niên cách mạng đồng chí Hội do tỉnh hội thanh niên tổ chức.
Ngày 03-02-1930, Đảng cộng sản Việt Nam ra đời. Tháng 5-1930, chi bộ Đảng đầu tiên tại làng Trà Kiệu Tây được thành lập gồm 7 Đảng viên, đồng chí Nguyễn Viết Phu được cử làm bí thư chi bộ.
Tháng 7/1930: Phủ ủy Duy Xuyên được thành lập, ông là một trong ba Phủ ủy viên đầu tiên của Phủ ủy.
Tháng 10 năm 1931, đồng chí bị thực dân Pháp bắt kết án 3 năm tù giam tại Hội An. Đến năm 1935, đồng chí ra tù và tiếp tục hoạt động cách mạng, tham gia lãnh đạo phong trào cách mạng trong xã Duy Sơn và huyện Duy Xuyên.
Nguyễn Viết Phu cùng với các đồng chí lãnh đạo của địa phương lãnh đạo cuộc tổng tiến công nổi dậy cướp chính quyền từ tay phát xít Nhật và thực dân Pháp vào tháng 8 năm 1945. Sau Cách Mạng Tháng Tám thành công, đồng chí cùng cán bộ đảng viên và nhân dân trong xã tiếp tục kháng chiến chống thực dân Pháp, góp phần lớn vào thắng lợi của chiến dịch Điện Biên Phủ 1954.
Từ năm 1946 đến năm 1951: Bí thư Hội Lão thành cách mạng huyện Duy Xuyên, sau đó hi sinh.
Đồng chí Nguyễn Viết Phu đã được Đảng và Nhà nước tặng thưởng: Huân chương Độc lập hạng Ba; Huân chương kháng chiến hạng Nhất.
Nguồn thông tin:
1. Kỷ yếu Ban chấp hành Đảng huyện Duy Xuyên (1930-2013), 2013.
2. Kỷ yếu Ban chấp hành Đảng bộ xã Duy Sơn (1930-2025), NXB Đà Nẵng, 2024.
3. Lịch sử Đảng bộ xã Duy Sơn (1930-2020) tái bản và bổ sung, NXB Đà Nẵng, 2022.
VỀ QUÁ TRÌNH THÀNH LẬP CHI BỘ ĐẢNG ĐẦU TIÊN TẠI XÃ DUY SƠN
Trong những năm đầu thế kỷ XX, trước sự khủng hoảng, bế tắc về đường lối chính trị ở trong nước, người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành (tên lúc đó của Chủ tịch Hồ Chí Minh) đã ra đi tìm đường cứu nước. Sau bao năm bôn ba khắp năm châu, Người đã tìm ở Cách mạng Tháng Mười Nga và chủ nghĩa Mác - Lênin con đường cứu nước, đưa dân tộc Việt Nam thoát khỏi cảnh xiềng xích, nô lệ.
Tìm ra con đường cứu nước, Nguyễn Ái Quốc (Hồ Chí Minh) bắt tay vào truyền bá chủ nghĩa Mác - Lênin về nước; thành lập Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên - tổ chức tiền thân của Đảng Cộng sản Việt Nam; tập hợp các bài giảng ở các lớp chính trị tại Quảng Châu năm 1927 in thành tập sách lấy tên là Đường Cách Mệnh để làm cẩm nang tuyên truyền và vận động cách mạng.
Đường lối cách mạng thông qua các sách báo tiến bộ sớm được thâm nhập vào Việt Nam và được các giáo giới tiến bộ, thanh niên, học sinh tiếp thu. Trên địa bàn xã, ở Trà Kiệu Tây có các ông Nguyễn Viết Liệu, Nguyễn Quang Hiệp... là những người đầu tiên tiếp thu và tuyên truyền tư tưởng cách mạng vô sản trong các tầng lớp nhân dân trong vùng.
Tháng 6.1927, số học sinh của phủ Duy Xuyên tham gia phong trào đấu tranh bãi khóa ở Huế gồm Lê Quang Sung, Võ Đề, Trần An đã đem các tài liệu, sách báo tiến bộ của Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên - tổ chức tiền thân của Đảng Cộng sản Việt Nam về truyền đạt tại địa phương, từ đó hình thành nhiều nhóm đọc sách báo ở phủ Duy Xuyên. Ở các làng xã thuộc Duy Sơn lúc bấy giờ cũng hình thành một số nhóm đọc sách báo như nhóm Giáo Hiệp, Giáo Liệu, Giáo Tần, Võ Đề...
Cùng với việc thành lập các nhóm đọc sách báo tiến bộ, công tác tuyên truyền thành lập Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên được đẩy mạnh. Ở vùng Duy Sơn, ông Nguyễn Viết Liệu (Giáo Liệu) là người rất tích cực trong việc tuyên truyền đường lối cách mạng trong tầng lớp trí thức, thanh niên, học sinh trong vùng.
Qua công tác tuyên truyền, giác ngộ các tầng lớp nhân dân và việc hình thành các nhóm đọc sách báo tiến bộ ở vùng Duy Sơn cho thấy đường lối cách mạng đã từng bước thâm nhập vào quần chúng và đây là dấu hiệu của sự chuyển mình, là điều kiện để tiếp cận chủ nghĩa Mác - Lênin.
Ngày 03.02.1930, Đảng Cộng sản Việt Nam thành lập. Ngày 28.3.1930, Tỉnh ủy Quảng Nam ra thông cáo về việc thành lập Đảng bộ tỉnh và nhanh chóng chỉ đạo vận động phát triển đảng viên, thành lập các chi bộ Đảng ở các phủ, huyện. Khoảng tháng 5.1930, trước sự phát triển của phong trào cách mạng trong xã, Tỉnh ủy chỉ đạo thành lập chi bộ Đảng Cộng sản Việt Nam ở Trà Kiệu Tây gồm có 7 đảng viên (Nguyễn Viết Phu, Nguyễn Thành Hãn, Nguyễn Viết Liệu, Nguyễn Quang Tất, Nguyễn Thông, Lưu Chí và Nguyễn Phước Tuân) do đồng chí Nguyễn Viết Phu làm bí thư.
Sự ra đời của chi bộ Đảng ở Duy Sơn đánh dấu bước phát triển mới của phong trào đấu tranh. Từ đây, cách mạng trong phủ Duy Xuyên, trong xã Duy Sơn được sự lãnh đạo trực tiếp của Đảng, góp phần vào thắng lợi chung của cách mạng huyện nhà.