Thị đoàn Điện Bàn đang trong quá trình hoàn thiện website chuyên quảng bá sản phẩm OCOP, sản phẩm thanh niên khởi nghiệp trên địa bàn. Anh Đinh Quang Vĩnh - Bí thư Thị đoàn Điện Bàn cho biết, công trình thanh niên này có địa chỉ “ocopdienban.com”, được đơn vị triển khai từ đầu tháng 3/2023 và sẽ hoàn thiện trong cuối tháng.
Anh Đinh Quang Vĩnh - Bí thư Thị đoàn Điện Bàn:
“Cùng với đơn vị chuyên môn đang xây dựng web, chúng tôi yêu cầu các đoàn cơ sở trực tiếp khảo sát, nắm thông tin sản phẩm OCOP, sản phẩm thanh niên khởi nghiệp có giấy phép, nguồn gốc rõ ràng. Nếu được sự chấp thuận của chủ sản phẩm, chúng tôi sẽ dữ liệu hóa thông tin để đăng tải trên trang web. Chẳng hạn, tên sản phẩm, địa chỉ, thành phần, nguồn gốc xuất xứ, các giấy phép, giấy chứng nhận…
Hy vọng, đây là kênh thông tin hữu ích, giúp chủ thể OCOP, khởi nghiệp mở rộng thêm hoạt động quảng bá, kinh doanh, giúp khách hàng kết nối, mua sản phẩm”
Theo anh Vĩnh, khi website được cấp phép hoạt động, Thị đoàn Điện Bàn sẽ tiếp tục triển khai các chiến dịch quảng bá, thông tin rộng rãi để mọi tầng lớp người dân biết đến trang web. Tương lai, khi lượng truy cập website cao, Thị đoàn sẽ làm thủ tục nâng trang thông tin thành sàn giao dịch điện tử. Qua đó giúp khách hàng có thể trực tiếp xem, đặt mua hàng và thanh toán trực tuyến.
Hưởng ứng Tháng thanh niên 2023 với chủ đề “Tuổi trẻ Quảng Nam tiên phong chuyển đổi số (CĐS)”, Huyện đoàn Duy Xuyên và Đoàn xã Duy Vinh vừa phối hợp thực hiện video giới thiệu di tích lịch sử Trận đánh Mỹ trên sông Bàn Thạch thông qua công nghệ QRCode. Đây là ý tưởng mới của tuổi trẻ Duy Xuyên trong việc đảm nhận thực hiện “số hóa địa chỉ đỏ” trên địa bàn huyện. Mô hình dự kiến được ra mắt vào tháng 4 nhằm nhân rộng trong toàn huyện.
Anh Nguyễn Văn Thuận - Bí thư Đoàn xã Duy Vinh cho biết, di tích lịch sử Trận đánh Mỹ trên sông Bàn Thạch đã được số hóa bằng QRCode với 2 ngôn ngữ Việt - Anh. Tuy nhiên, để thuận lợi cho người dân và du khách, tuổi trẻ địa phương xây dựng video với âm thanh, hình ảnh, lời dẫn sống động tích hợp thêm vào QRCode.
Chị Đỗ Thị Kim Bằng - Phó Bí thư Huyện đoàn Duy Xuyên cho biết, “số hóa địa chỉ đỏ” là một trong nhiều cách làm sáng tạo của tuổi trẻ Duy Xuyên với CĐS. Sau thời gian triển khai, đến nay tuổi trẻ địa phương đã số hóa được 25 địa chỉ đỏ trên địa bàn toàn huyện. Ngoài thông tin, hình ảnh, các di tích lịch sử sẽ tiếp tục số hóa với video giới thiệu bằng 2 ngôn ngữ nhằm mang đến sự tiện lợi cho người dân và du khách khi muốn tìm hiểu về địa chỉ đỏ.
Bên cạnh “số hóa địa chỉ đỏ”, tuổi trẻ Duy Xuyên còn triển khai nhiều cách làm sáng tạo trong ứng dụng CĐS như mô hình Chatbot - hỗ trợ, giải đáp thắc mắc của người dân về dịch vụ công trực tuyến, về sản phẩm OCOP; mô hình “Ngân hàng máu sống online”, “Thư viện online”… Bên cạnh kết quả đạt được, chị Đỗ Thị Kim Bằng cho rằng, CĐS là xu thế, phải làm, nhưng cần thời gian để thay đổi, kể cả chính những người trẻ.
Phong trào khởi nghiệp được người trẻ Quảng Nam hưởng ứng mạnh mẽ. Trong đó, nhiều mô hình đã phát huy hiệu quả nhờ ứng dụng tiến bộ công nghệ và lợi thế từ chuyển đổi số.THÀNH CÔNG VỚI “APP SHIPPING MEN”
Nhiều người ở Tam Kỳ chắc không lạ với ứng dụng gọi đồ ăn, xe ôm - App Shipping Men. Khách hàng muốn ăn uống thứ gì hoặc có nhu cầu đi xe ôm, chỉ cần tải ứng dụng này về trên điện thoại thông minh là giải quyết được tất cả.
Hiện có hơn 20 nghìn người đăng ký App Shipping Men. Dự án công nghệ này đang tạo việc làm cho 40 lao động - tài xế công nghệ (chủ yếu người trẻ), có người đạt thu nhập đến 10 triệu đồng/tháng.
Ứng dụng số này đã phổ biến tại Tam Kỳ, nhưng chắc ít ai biết chủ dự án này lại là một chàng trai đang làm việc trong cơ quan nhà nước, đó là Hà Nhật Ánh, 34 tuổi, đến từ huyện Quế Sơn. Ánh tốt nghiệp ngành xây dựng và đang phụ trách lĩnh vực quản lý dự án xây dựng tại một cơ quan của tỉnh Quảng Nam.
Không phải “dân” IT nhưng Ánh có niềm đam mê, thích tìm tòi và nghiên cứu về công nghệ. Nhận thấy TP.Tam Kỳ chưa có ứng dụng giao đồ ăn, gọi xe ôm như các thành phố lớn nên anh đã lên mạng tìm hiểu và may mắn kết nối được một bạn trẻ tại tỉnh Kiên Giang có chung ý tưởng.
Sau quá trình đóng góp ý tưởng, nhóm của Ánh chung vốn để thuê công ty gia công phần mềm hoàn thiện App Shipping Men. Hiện nay, ngoài TP.Tam Kỳ, App Shipping Men đang vận hành tại TP.Phú Quốc, TP.Rạch Giá (tỉnh Kiên Giang) và tỉnh Bình Thuận.
Nhật Ánh cho biết, App Shipping Men có nhiều điểm ưu việt so với các ứng dụng phổ biến ở thành phố lớn như Grap, Loship, ShopeeFood… Đó là chi phí ship rẻ, khách hàng có thể mua được nhiều sản phẩm cùng lúc ở mọi địa điểm, đồng thời ứng dụng không thu tiền từ chủ quán…
Dự án công nghệ của Hà Nhật Ánh được UBND tỉnh công nhận dự án khởi nghiệp cấp tỉnh năm 2021. Anh cho biết đang tiếp tục nghiên cứu thị trường để mở rộng dự án tại tất cả huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh, trước mắt là triển khai tại thị trấn Hà Lam (Thăng Bình) và thị trấn Núi Thành. Anh cũng đang ấp ủ một dự án - ứng dụng mới phục vụ nhu cầu sinh hoạt của người dân, dự kiến sẽ ra mắt trong năm 2023.
BẮT NHỊP CHUYỂN ĐỔI SỐ
Bếp điện cộng hưởng nhiệtlà sản phẩm khởi nghiệp mà anh Nguyễn Thành Vĩ (xã Điện Phong, thị xã Điện Bàn) dày công nghiên cứu, miệt mài sáng tạo trong nhiều năm. Đây là một trong 2 dự án khởi nghiệp đoạt giải Nhất cuộc thi “Ý tưởng khởi nghiệp sáng tạo cấp tỉnh” năm 2022.
Vĩ chia sẻ, sản phẩm này có ưu điểm là cộng hưởng nhiệt, từ công suất cố định có thể cộng hưởng nhiệt lên đến 70%, tùy theo nhu cầu khách hàng. Khi đạt đủ nhiệt lượng, tỷ lệ tiêu hao điện sẽ giảm dần và có thể tiết kiệm 50 - 80% so với ga.
Sản phẩm này có thể áp dụng hiệu quả ở các cơ sở kinh doanh thực phẩm, nhà hàng, khách sạn. Trung bình, 1 sản phẩm bình dân thì khách hàng chỉ mất khoảng 8 tháng để thu hồi vốn.
Để nâng quy mô sản xuất, hướng đến chiến lược phát triển dài hơi hơn, anh Nguyễn Thành Vĩ phối hợp với anh Huỳnh Văn Thao - một người kinh nghiệm trong lĩnh vực kinh doanh để thành lập Công ty TNHH Sản xuất - thương mại - dịch vụ Khánh Linh.
Anh Thao cho biết, để đánh giá hiệu quả sản xuất, kinh doanh, toàn bộ số liệu công ty đều được số hóa, đưa lên hệ thống quản trị để theo dõi và đánh giá thường xuyên. Đó là bước CĐS rõ nhất của công ty so với cách quản trị truyền thống khi còn cơ sở sản xuất nhỏ lẻ.
Theo anh Thao, với xu thế hiện nay, bất kỳ người kinh doanh nào cũng mong muốn đẩy mạnh CĐS để nâng hiệu quả kinh doanh. Nhưng riêng người khởi nghiệp, việc đầu tư cho CĐS phải tiến hành từng bước, phù hợp với nguồn vốn, chiến lược kinh doanh để tránh lãng phí nguồn lực.
“Hiện tại sản phẩm chủ lực của chúng tôi là bếp dành cho cơ sở kinh doanh, nhà hàng, khách sạn. Đây là thời điểm mà chúng tôi cần quảng bá mạnh mẽ trên website, mạng xã hội, nhất là tích hợp hình ảnh, video về quy trình sản xuất, công năng; đồng thời tham gia các sàn thương mại điện tử, điện máy… để người mua dễ dàng tiếp cận sản phẩm” - anh Thao chia sẻ.
Thuộc thế hệ “10x”, Huỳnh Thị Nha Sinh, lớp chuyên Tin 11/7, Trường THPT chuyên Nguyễn Bỉnh Khiêm (Tam Kỳ) cho rằng, mình và các bạn cùng trang lứa may mắn vì được sống và học tập trong thời đại kỷ nguyên số.Đoạt giải nhất trong cuộc thi Tìm hiểu về chuyển đổi số (CĐS) trong thanh niên năm 2022, ý tưởng “Xây dựng hệ thống dữ liệu dùng chung phục vụ công tác đoàn và phong trào thanh thiếu nhi huyện Hiệp Đức” của nhóm tác giả Huyện đoàn Hiệp Đức được đánh giá là giải pháp sát thực tiễn.
Anh Huỳnh Đức Thắng - chuyên viên Huyện đoàn Hiệp Đức cho biết, ý tưởng trên xuất phát từ những khó khăn trong lưu trữ dữ liệu hoạt động của các tổ chức đoàn. Chẳng hạn, dữ liệu hiện nay lưu trữ phân tán ở nhiều máy tính cá nhân khác nhau nên khi cần thì khó tìm kiếm và tốn nhiều thời gian. Trường hợp máy tính của cá nhân bị nhiễm vi rút hoặc hư hỏng ổ cứng, mất máy tính dẫn đến mất toàn bộ dữ liệu.
Đối với văn bản của đoàn cơ sở gửi về Huyện đoàn thông qua gmail, cán bộ phụ trách văn phòng phải kiểm tra từng thư mục, tải về và tổng hợp rất tốn thời gian, dễ thiếu sót trong khâu thống kê. Đồng thời dung lượng và thời gian lưu trữ trên nền tảng như drive, zalo cũng có giới hạn.
Từ khó khăn trên, Huyện đoàn Hiệp Đức đưa ra giải pháp đầu tư, xây dựng hệ thống lưu trữ, chia sẻ, sử dụng dữ liệu NAS dưới sự quản lý, phân quyền của Huyện đoàn. Anh Thắng cho hay, NAS là viết tắt của Network Attached Storage, là thiết bị lưu trữ có một hoặc kết hợp nhiều ổ cứng được kết nối với hệ thống mạng. Hệ thống này cho phép người dùng lưu trữ tập trung, chia sẻ dữ liệu và truy cập sử dụng từ bất kỳ nơi đâu và bất kỳ thiết bị nào có kết nối mạng internet.
Anh Huỳnh Đức Thắng - chuyên viên Huyện đoàn Hiệp Đức: “Hệ thống này có thể lưu trữ văn bản, hình ảnh, video, infographic và tích hợp bộ công cụ Office để xử lý văn bản ngay trên hệ thống. Đây là giải pháp đáp ứng hiệu quả hoạt động văn phòng, giảm tải lưu trữ hồ sơ giấy tờ, khả năng áp dụng rộng nếu xây dựng hệ thống phân quyền, bảo mật chặt chẽ.”
Là một trong những đơn vị tiên phong trong CĐS, đáp ứng nhiệm vụ công tác, những năm gần đây, Đoàn Thanh niên Công an tỉnh Quảng Nam xây dựng nhiều phần mềm, cẩm nang số có tính ứng dụng cao. Tiêu biểu như năm 2022, đơn vị ra mắt công trình thanh niên “Cẩm nang điện tử tuyên truyền pháp luật và phòng chống tội phạm trên không gian mạng”.
Cẩm nang được thiết kế dưới hình thức sách điện tử, bên trong cẩm nang tích hợp nhiều danh mục hữu ích như số điện thoại khẩn cấp, đường dây nóng công an các địa phương, lịch đăng ký ô tô, xe máy, lịch làm thủ tục cấp căn cước công dân và các kiến thức về định danh điện tử, các phương thức, thủ đoạn hoạt động của các loại tội phạm hình sự, tội phạm công nghệ cao, tội phạm về ma túy, an toàn giao thông... Người truy cập chỉ cần dùng điện thoại thông minh quét mã code chứa đường link dẫn đến cẩm nang sẽ truy cập dễ dàng, bất cứ nơi đâu.
Đại úy Bùi Anh Đức - Bí thư Đoàn Thanh niên Công an tỉnh nói, trong thời kỳ 4.0, hầu hết người dân chọn giải pháp tìm kiếm thông tin, tra cứu, học tập qua không gian mạng. Do đó, đoàn viên, thanh niên cần tiên phong, phát huy năng lực, ứng dụng tốt nền tảng công nghệ sẵn có để đáp ứng yêu cầu công việc chuyên môn.
Hưởng ứng Tháng thanh niên với chủ đề “Tuổi trẻ Quảng Nam tiên phong chuyển đổi số”, tuổi trẻ nhiều đơn vị, địa phương đã có những cách làm sáng tạo, đặc biệt là hướng các hoạt động về cơ sở với phương châm “lấy người dân làm trung tâm, vừa là chủ thể, vừa là mục tiêu phát triển”.
Tại Nhà văn hóa khối phố Mỹ Bắc (phường An Mỹ), bên chiếc máy tính để bàn do thành phố trang bị, ông Dương Văn Cương (59 tuổi) được 2 bạn trẻ hướng dẫn các bước đăng ký tài khoản và nộp hồ sơ thủ tục hành chính trên Cổng dịch vụ công.
Chị Nguyễn Thị Ly - Bí thư Thành đoàn Tam Kỳ cho biết, Thành đoàn Tam Kỳ đã đăng ký với UBND thành phố thực hiện mô hình “Số hóa tên đường” nhằm thể hiện vai trò xung kích tuổi trẻ trong hoạt động CĐS. Dự kiến trong năm 2023, tất cả tuyến đường chính của thành phố sẽ được gắn biển có mã QR. Trước mắt, Chi đoàn chính quyền thành phố đăng cai làm điểm một số tuyến.
Đoàn khối các cơ quan tỉnh Quảng Nam cũng vừa ra mắt Ngân hàng máu sống trực tuyến tại địa chỉ: “https:// doankccqquangnam.vn/ hienmau/”. Anh Đặng Ngọc Châu - Bí thư Đoàn Khối các cơ quan tỉnh cho biết, đây là ý tưởng ấp ủ từ lâu của Đoàn Khối. Qua hình thức trực tuyến sẽ giúp kết nối và tạo được cơ sở dữ liệu lớn về hiến máu để đoàn viên, thanh niên và người dân có thể truy cập, phục vụ quá trình cho - nhận máu dễ dàng, nhanh chóng và hiệu quả hơn.
Theo anh Châu, CĐS là một trong những nhiệm vụ được tuổi trẻ Đoàn Khối các cơ quan tỉnh đặc biệt quan tâm. Theo đó, Đoàn Khối chỉ đạo mỗi cơ sở đoàn trực thuộc phải có ít nhất một phần việc CĐS phù hợp đơn vị, cơ quan, sở ngành, đặc biệt là các ngành dọc như kho bạc, thuế, bảo hiểm…
Ý kiến bạn đọc