Lễ tet nguyen dan

Báo động ma túy xâm nhập lứa tuổi học đường

Thứ bảy - 01/07/2023 14:51 76 0
(Góc tuyên truyền, phổ biến pháp luật)
Báo động ma túy xâm nhập lứa tuổi học đường

Ma túy học đường đang là mối nguy cơ hiện hữu, khi một số dạng ma túy mới xâm nhập vào Việt Nam dưới nhiều hình thức khác nhau. Đáng lo hơn, ma túy mới pha trộn vào thực phẩm được bán gần các cơ sở giáo dục, các trường đại học, trung học cơ sở nhằm lôi kéo, dụ dỗ học sinh, sinh viên sử dụng...

 

Nỗi buồn con trẻ

Đầu năm 2023, bà Lê Thị Minh Hằng (46 tuổi, ngụ Q. Tân Phú, thành phố Hồ Chí Minh) tìm đến chuyên gia tư vấn tâm lý hỏi về tình trạng của con trai bà năm nay 17 tuổi, đang học nghề sửa chữa ô tô tại một trung tâm hướng nghiệp, dạy nghề thành phố Hồ Chí Minh. Bà Hằng cho biết, con trai mình vốn là học sinh ít nói suốt thời gian học trung học cơ sở. Đến giữa năm lớp 11 thì em có dấu hiệu thay đổi như: Thích tham gia học nhóm, hay ngủ vùi, ở nhà thì luôn đóng kín cửa không cho ai vào phòng. Vợ chồng bà Hằng nghĩ có thể chỉ là biểu hiện của tuổi dậy thì nên không sâu sát theo dõi. Vào cuối năm học, bà Hằng nhận được thông báo của giáo viên chủ nhiệm đề nghị có biện pháp quản lý, giáo dục con trai vì nhà trường nghi ngờ cháu sử dụng chất gây nghiện.

Báo động ma túy xâm nhập lứa tuổi học đường -0
Tuyên truyền về tác hại của ma túy trong học đường.

Bà Hằng lặng lẽ kiểm tra phòng ngủ con trai và phát hiện có nhiều loại vỏ nước uống giải khát màu đỏ, màu xanh giống với loại nước uống Crispy fruit mà giới trẻ ưa thích. Bà Hằng âm thầm đi kiểm tra thì tá hỏa khi nhận kết quả đây là loại nước uống có chứa chất kích thích gây nghiện, gây ảo giác.

Vợ chồng bà Hằng bàn với nhau và đi đến quyết định, cho con trai bảo lưu kết quả học tập để đưa về quê ngoại ở Lâm Đồng cai nghiện. Sau 3 tháng ở núi rừng, hoàn toàn tránh xa với thú vui học đường, con trai bà Hằng đã cai được thứ nước uống “ma quái” kia.

Thay vì học tiếp cấp 3, bà Hằng cho con vào trung tâm hướng nghiệp, dạy nghề vừa học bổ túc văn hóa, vừa học nghề. Tại đây, con trai bà sẽ được học văn hóa, học nghề dưới sự giám sát, kèm cặp của giáo viên sẽ không có điều kiện ra ngoài để có cơ hội tiếp cận các thú chơi nguy hiểm.

Trong vài năm qua, tiến sĩ tâm lý Lê Thị Hương, Trung tâm UNESCO Khoa học nhân văn và cộng đồng đã tiếp nhận rất nhiều trường hợp phụ huynh nhờ tư vấn tâm lý cho con của mình. Trong đó, nhiều bạn trẻ sử dụng chất gây nghiện và ma túy.

Con gái của ông Nguyễn Văn Thắng (ngụ P. 3, Q. Bình Thạnh, thành phố Hồ Chí Minh) là trường hợp khiến tiến sĩ Hương trăn trở rất nhiều. Đang học lớp 12, cô bé đua đòi theo chúng bạn thường xuyên sử dụng “nước dâu” hay còn gọi “nước vui”.

“Nước vui” là một loại ma túy mới, được đóng gói dưới dạng gói bột pha thực phẩm và đặc biệt có thể hòa tan với nước để uống. Qua phân tích, xác định có rất nhiều thành phần khác nhau trong gói bột như cafein, chất gây ngủ, nhưng thành phần chiếm tỉ lệ nhiều nhất là chất ma túy Methylenedioxyl - Methamphetamine (MDMA) thường gọi là thuốc lắc hay ecstasy. MDMA là loại thuốc tổng hợp, làm thay đổi cảm xúc và tri giác của người sử dụng. Đây là loại chất vừa giống chất kích thích vừa giống chất gây ảo giác, gây cảm giác tràn đầy năng lượng, phấn khích và rối loạn định hướng không gian và thời gian. Do đó, người sử dụng ma túy “nước vui” sẽ bị ảnh hưởng đến sức khỏe, gây ảo giác mạnh, loạn thần, tăng thân nhiệt, co giật..., và có thể ngay lập tức đe dọa đến tính mạng nếu sử dụng quá liều.

Con gái ông Thắng có các biểu hiện ngủ vùi và thường xuyên ngáp dài, chảy nước bọt. Vợ chồng ông Thắng là công nhân viên chức, đi làm tối ngày nên cũng không sâu sát con gái. Ban đầu, thấy con có biểu hiện lạ, ông Thắng nghĩ do con áp lực học tập năm cuối cấp. Một lần, vô tình nhìn vào phòng con gái, ông Thắng thấy con đang “phê”. Ông tra hỏi con rất nhiều, cô bé cũng khai thật là mình đã dùng thứ nước này được gần một năm. “Tôi vô cùng ân hận khi để con gái ra nông nỗi này. Bản thân tôi có biết về các loại ma túy tổng hợp trá hình dưới dạng kẹo, nước nhưng chưa bao giờ nghĩ, một ngày nào đó con gái mình lại tìm đến nó”, ông Thắng phân trần.

Cô bé nghiện nặng loại “nước vui” nên khi bị cấm dùng, cô điên loạn cào cấu cơ thể, bức tóc, bứt tay chân đến tóe máu. Ông Thắng xin phép nhà trường cho con gái học ở nhà 2 tuần. Ông mời một bác sĩ chuyên điều trị tâm thần về sát cánh cùng con. Ông từng nghĩ, nếu kết quả không khả quan, ông sẽ đưa con về trại cai nghiện nhưng con bé phối hợp tích cực cùng bác sĩ, kết quả sau 10 ngày, tinh thần của cô bé được cải thiện rõ rệt. Các cơn co giật, run rẩy và lơ mơ giảm dần. Cô bé trở lại trường để tiếp tục học tập, ôn luyện cho kỳ thi cuối cấp. Việc đi học, đưa đón con được ông Thắng trực tiếp làm, đồng thời nhờ thầy cô giáo theo dõi.

Trong thâm tâm, ông Thắng vẫn chưa thể nào yên lòng được, ông sợ với tính cách bồng bột, nông nổi của con gái, một ngày nào đó nó sẽ sa ngã vào các tệ nạn xã hội, để rồi hủy hoại tương lai.

Báo động ma túy xâm nhập lứa tuổi học đường -0
Các loại ma túy biến tướng dưới dạng nước uống và thuốc hút.

Là người có nhiều năm làm công tác xã hội, tích cực tham gia hoạt động giúp đỡ người nghiện ma túy tái hòa nhập cộng đồng, bà Lê Kim Chung còn được biết đến là Chủ nhiệm CLB “Lá chắn” P.3, quận Bình Thạnh, nơi để những bà mẹ có con em nghiện ma túy chia sẻ, giúp đỡ, động viên nhau vượt qua khó khăn. Trong những năm tháng làm việc cộng đồng, bà Chung tiếp xúc nhiều người mẹ, người cha đau khổ cùng quẫn khi có con nghiện ngập. Bà Chung kể: “Hơn 10 năm trước, khu phố này chỉ có thanh niên hoặc trung niên nghiện ma túy. Khoảng 3 năm trở lại đây, đối tượng nghiện là thanh, thiếu niên, học sinh rất nhiều. Cha mẹ có con nghiện, họ rất hoang mang vì đời họ nào biết đến ma túy là gì. Tôi giải thích và động viên họ bình tĩnh. Với các cháu là học sinh, lứa tuổi quá non và trẻ, các cháu bồng bột, dại dột mà lao vào thứ chất cấm chết người. Trước tiên phải nói cho cháu hiểu sự nguy hiểm của loại ma túy, sức tàn phá cơ thể, tinh thần và trí óc của con người như thế nào. Sau đó, dẫn cháu đi điều trị cai nghiện ở những nơi vừa uy tín, nhưng cũng hết sức kín đáo, để sau này trở về, cháu không có cảm giác mặc cảm tội lỗi hay oán trách gia đình”. Kết thúc câu chuyện của mình, bà Chung nói một câu đơn giản: “Mỗi người hãy là một lá chắn. Mình chắn kỹ thì tệ nạn không lọt vào trong nhà được”.

Ma túy “núp bóng” hàng hóa

Theo thống kê của Cục Phòng, chống tệ nạn xã hội, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, hiện nay khoảng 95% người nghiện sử dụng ma túy tổng hợp, trong số này có tới 70-75% là giới trẻ, học sinh, sinh viên từ 17-35 tuổi. Đây là con số báo động khiến xã hội phải giật mình. Tại các thành phố lớn, cha mẹ có con em trong độ tuổi học đường luôn trong trạng thái lo lắng, bất an. Chị Nguyễn Thị Cẩm Tiên (ngụ Q.4, thành phố Hồ Chí Minh) chia sẻ: “Tôi có hai con đang trong độ tuổi “nổi loạn”, đi học chúng rất thích uống các loại nước mới lạ, có nguồn gốc nước ngoài và xem đó là món khoái khẩu. Tôi có nghe về loại ma túy dạng nước đã xuất hiện ở Việt Nam, tôi luôn sống trong trạng thái lo lắng vì không biết con mình đi học có bị dụ dỗ sử dụng chất gây nghiện hay không”.

Hiện nay, ma túy ngụy trang, "núp bóng", pha trộn dưới dạng hàng hóa như: Bánh, kẹo, thực phẩm chức năng, dược phẩm, đồ uống, thảo mộc... được sản xuất, đóng gói. Qua công tác điều tra, công an đã phát hiện ma túy mới xuất hiện trong các gói trà giảm cân, đông trùng hạ thảo, gói bột nước trái cây có in các dòng chữ dễ nhầm lẫn như: Crispy fruit, Crispy fruit grape, Mango, Yaoyao hoặc "nước dâu", "nước vui", cà phê "White Coffe", "Chali"... được vận chuyển về  Việt Nam theo dạng hàng hóa  xách tay, được rao bán online, các tụ điểm vui chơi giải trí,  quán bar, vũ trường.

Bên cạnh đó, lợi dụng việc nhiều thanh thiếu niên, học sinh, sinh viên có xu hướng sử dụng thuốc lá điện tử nên tội phạm ma túy đã nghiên cứu pha trộn các chất ma túy mới vào trong các dung dịch này. Thuốc lá điện tử có chứa nicotine - một chất gây nghiện, có thể tác động xấu đến phát triển não bộ và sự phát triển của trẻ. Trường hợp nặng có thể gây nhịp tim chậm, tụt huyết áp, rối loạn nhịp tim, sốc, hôn mê, thậm chí tử vong.

Ngoài ra, trong thuốc lá điện tử còn chứa các chất hóa học phụ gia như methyl salicylate, glycerin, hay propylence glycol. Đây là các hóa chất có thể gây ung thư hoặc tổn thương phổi. Tội phạm ma túy thông qua thuốc lá điện tử để kinh doanh, buôn bán, lôi kéo người trẻ sử dụng trái phép ma túy.

Theo Công an thành phố Hồ Chí Minh, học sinh, sinh viên đang trong độ tuổi hình thành nhân cách, thích trải nghiệm những cái mới và muốn thể hiện bản thân nên trở thành mục tiêu mà tội phạm ma túy hướng tới với nhiều hình thức biến tướng tinh vi.

Công an thành phố Hồ Chí Minh khuyến cáo, người trẻ sử dụng ma túy mới sẽ có những biểu hiện, mà các gia đình cần lưu ý, theo dõi để phát hiện như: Thức khuya, đêm ít ngủ, dậy trễ, ngày ngủ nhiều; hay tụ tập, đi lại với người không có việc làm, không học hành, hay chơi thân với người nghiện ma túy. Đi lại có quy luật, mỗi ngày cứ đến một giờ nhất định nào đó, dù đang bận việc gì cũng tìm cách kiếm cớ để đi. Thường tụ tập nhóm đi bar, vũ trường, thường xuyên sử dụng thuốc lá điện tử; khi ở nhà ít tiếp xúc với người khác (kể cả người thân trong gia đình); hay ngáp vặt, người lừ đừ, mệt mỏi, lười lao động, không chăm lo vệ sinh cá nhân. Nếu là học sinh thì đi học muộn, trốn học, học lực giảm sút, ngồi học trong lớp hay ngủ gà ngủ gật.

Đối với người đã nghiện nặng, ngoài các dấu hiệu ở trên còn có các biểu hiện khác như: Sức khỏe giảm sút rõ rệt, thường xuyên ngáp, mắt lờ đờ, môi thâm, cơ thể hôi hám, ăn mặc luộm thuộm...

Báo động ma túy xâm nhập lứa tuổi học đường -0
Bà Lê Kim Chung là người đồng hành, giúp đỡ các bậc cha mẹ có con em nghiện ma túy trong nhiều năm qua.

Trước thực trạng các loại ma túy mới biến tướng, nhắm vào học sinh và sinh viên, Công an thành phố Hồ Chí Minh đề nghị người dân nêu cao tinh thần cảnh giác, thường xuyên cập nhật các loại ma túy mới. Từ đó theo dõi, giám sát con em, người thân của mình trước các loại ma túy biến tướng. Tích cực tham gia đấu tranh, tố giác tội phạm liên quan đến ma túy, phối hợp chặt chẽ với công an và các cơ quan chức năng trong công tác đấu tranh phòng, chống loại tội phạm về ma túy.

Cần mạnh dạn tố cáo những tổ chức, cá nhân có hành vi tàng trữ, mua bán, sử dụng trái phép các chất ma túy. Vận động người nghiện tham gia cai nghiện tại cơ sở chữa bệnh của nhà nước hoặc các cơ sở cai nghiện tư nhân để họ từ bỏ ma túy, góp phần bảo đảm tình hình an ninh, trật tự trên địa bàn thành phố.

Công an thành phố Hồ Chí Minh đề nghị các dịch vụ kinh doanh có điều kiện và các hộ kinh doanh khác tuyệt đối không được tham gia mua bán, tàng trữ, vận chuyển các loại thực phẩm, thuốc lá điện tử, thuốc kích thích (có thể là ma túy núp bóng) trôi nổi không rõ nguồn gốc...


Ngọc Thiện

Nguồn tin: cÔNG AN NHÂN DÂN ONLINE

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Văn bản điều hành

66

KẾ HOẠCH tổ chức cuộc thi xây dựng video Podcast giới thiệu sách với chủ đề “Trang sách thay đổi đời tôi”

Thời gian đăng: 03/04/2024

64

64. Kế hoạch tổ chức “Ngày đoàn viên” năm 2024

Thời gian đăng: 13/03/2024

63

63. KH TỔ CHỨC CHƯƠNG TRÌNH THÁNG 3 BIÊN GIỚI NĂM 2024

Thời gian đăng: 13/03/2024

58

58. KH TỔ CHỨC CHƯƠNG TRÌNH ĐƯA ĐOÀN VIÊN ĐẾN VỚI BẢO TÀNG

Thời gian đăng: 13/03/2024

62

62. KH TỔ CHỨC NGÀY HỘI THIẾU NHI VUI KHỎE TIẾN BƯỚC LÊN ĐOÀN

Thời gian đăng: 13/03/2024

57

57. KH TỔ CHỨC ĐH ĐOÀN KHỐI CÁC CQNN TRỰC THUỘC HUYỆN ĐOÀN NHIỆM KỲ 2024-2027

Thời gian đăng: 13/03/2024

55

KẾ HOẠCH TỔ CHỨC CÁC HOẠT ĐỘNG THÁNG THANH NIÊN NĂM 2024

Thời gian đăng: 05/03/2024

56

56. KH ĐI THỰC TẾ CƠ SỞ CỦA CÁN BỘ ĐOÀN CẤP HUYỆN NĂM 2024

Thời gian đăng: 13/03/2024

2

NGHỊ QUYẾT CÔNG TÁC ĐOÀN VÀ PHONG TRÀO THANH THIẾU NHI HUYỆN DUY XUYÊN NĂM 2024

Thời gian đăng: 22/01/2024

46

KẾ HOẠCH TRIỂN KHAI CUỘC VẬN ĐỘNG TỰ HÀO MỘT DẢI NON SÔNG

Thời gian đăng: 11/12/2023

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập7
  • Hôm nay1,233
  • Tháng hiện tại76,134
  • Tổng lượt truy cập1,050,460
z4220002610688 af98d01b95aa247582fcf3f7b4359f45

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây