Năm ấy, Hải học lớp 7. Một buổi tối trước kỳ thi giữa kỳ 1, Hải đến nhà cô giáo dạy tiếng Anh để ôn bài. Trên đường về gần đến nhà, một thanh niên phóng xe máy với tốc độ cao đã đâm vào xe đạp điện của Hải từ phía sau. Cú va chạm rất mạnh khiến Hải bất tỉnh. Mọi người đã đưa bạn vào bệnh viện tỉnh Lào Cai cấp cứu rồi chuyển về bệnh viện Việt Đức ngay trong đêm.
Hải bị đa chấn thương, vết thương nặng nhất ở vùng đầu. Cậu hôn mê sâu nhiều ngày và ở trong tình trạng nguy kịch. Tất cả mọi người đều lo lắng và tình huống xấu nhất đã được nghĩ tới. Nhìn Hải thiêm thiếp trên giường bệnh, không ai kìm được nước mắt. Bố luôn tỏ ra cứng rắn và mạnh mẽ dù gầy đi vì lo lắng, thương con. Mẹ luôn giấu gương mặt giữa những ngón tay xanh xao, những sợi tóc bạc và đôi vai run lên nức nở, đau như thắt lòng.
Ở trường, thầy cô và bạn bè mong tin Hải từng ngày. Thầy cô và một số bạn về tận Hà Nội thăm Hải. Nhìn Hải, bạn học sinh vốn lanh lợi hoạt bát giờ nằm đó gầy gò bất động giữa máy móc, dây dợ, tất cả đều bật khóc. Cô giáo nắm lấy tay Hải, nghẹn ngào “Mau khỏe, mau tỉnh dậy để còn đi học, thầy cô và các bạn mong em lắm, Hải ơi!” Không biết Hải có cảm nhận và lắng nghe được hay không, nhưng từ khóe mắt, một dòng nước mắt lăn trên má bạn. Ai cũng lặng đi.
Sau đó ít hôm, Hải tỉnh lại, nhưng chân tay bạn co rút, không cử động được, một bên mắt Hải bị tật vĩnh viễn và Hải không nói được thành lời. Hơn hai năm trời điều trị từ bệnh viện Hà Nội tới bệnh viện Phục hồi chức năng của tỉnh Lào Cai, với sự kiên trì, nhẫn nại, yêu thương của gia đình và sự động viên của thầy cô, bạn bè, sự tận tâm của các y bác sĩ, Hải đã tập những bước đi đầu tiên sau bao tháng ngày nằm trên giường bệnh. Mỗi bước chân đi đầy đau đớn và khó khăn, nhưng chỉ cần mẹ nhắc “Con cố gắng lên, để còn đến trường nữa chứ” là Hải lại bước tiếp, nén đau. Đôi mắt bừng sáng niềm tin rằng mình sẽ được đi học, sẽ được đến trường.
Không chỉ tập đi, tập cầm nắm, Hải còn phải tập nói rất khó khăn. Hải thường trao đổi với mọi người bằng cách nhắn tin, bấm phím trên điện thoại. Hôm ấy là một chiều giáp Tết, cô Hồng hiệu trưởng đến thăm Hải. Hải vui lắm, cậu đưa mắt nhìn chiếc kèn nhỏ trên bàn rồi ra hiệu như muốn nói một điều gì đó. Mẹ đưa điện thoại cho Hải, Hải gõ dòng chữ “Cô ơi em đang tập nói rồi, em có thể đi học được nữa không?” Cô Hồng lặng đi vì cảm động, một cậu bé đang phải trải qua bao khó khăn đau đớn về thể xác vẫn đau đáu mong được đến trường. Cô động viên Hải “Chắc chắn rồi, em hãy cố gắng tập luyện, thầy cô và bạn bè đợi em. Trường Lý Tự Trọng là nhà của chúng ta mà.”
Sáng mùng 5 Tết, cô Hồng nhận cuộc điện thoại từ mẹ Hải. Giọng nói run lên vì cảm xúc, mẹ Hải thông báo với cô rằng Hải đã nói được và câu nói đầu tiên của Hải là “Mẹ ơi, con có thể đi học được chưa?” Cô Hồng khóc, mẹ Hải khóc, Hải đã làm được rồi, Hải đã chiến thắng rồi.
Ngày Hải trở lại trường học sau ba năm, thầy cô và các bạn đón cậu từ ngoài cổng trường. Cả trường vui tưng bừng như đón người thân đi xa lâu ngày nay trở về. Ai cũng rạng rỡ nụ cười mà sao mắt rưng rưng. Bạn bè lớp Hải ngày đó đã lên bậc Trung học phổ thông rồi, Hải sẽ vào lớp 7 để tiếp tục những bài học còn dang dở năm ấy. Các bạn cùng lớp gọi Hải là anh. Ai cũng yêu quý và nể phục anh Hải, một chiến binh vô cùng mạnh mẽ. Dù chiến binh vẫn còn tiếp tục phải tập luyện rất vất vả để phục hồi chức năng, dù chiến binh vẫn cần người dìu lên cầu thang, dù chiến binh vẫn gặp khó khăn khi nói chuyện. Nhưng anh Hải đã viết nên một câu chuyện cổ tích về nghị lực giữa cuộc đời này. Câu chuyện ấy cũng được viết nên bởi tình yêu thương của cha mẹ, thầy cô, bè bạn, của những lương y hết lòng vì các bệnh nhân. Câu chuyện cổ tích ấy được viết nên bởi sự tử tế của con người. Đó chính là câu chuyện của chiến binh Nguyễn Phan Hải, học sinh lớp 7, Trường THCS Lý Tự Trọng, thành phố Lào Cai, ngôi trường hạnh phúc nơi biên cương, vùng phên dậu của tổ quốc, nơi chắp cánh ước mơ tuổi thơ bay tới những chân trời rộng mở, nơi bao thế hệ học sinh thân thương gọi đó là gia đình.
Tiếp tục vượt mọi khó khăn và thành công nhé Hải ơi! Mọi người luôn bên bạn.